• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phập phồng nỗi lo 'lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng'

Trước mỗi dịp tăng lương thường có một đợt “bão giá” đi kèm, làm thế nào để kìm chân bão giá trước thời điểm tăng lương tháng 7/2023?

Lương tăng chỉ bù chi phí tăng giá

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023. Tuy nhiên, hiện nay giá cả các mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu tăng. Hàng triệu người lao động mong mỏi đến ngày tăng lương, bởi sau 3 năm dịch Covid-19 hoành hành, đời sống gặp nhiều khó khăn, rất nhiều người có thu nhập bấp bênh.

Tuy vậy, thông tin về việc tăng lương từ ngày 01/7/2023 cũng mang đến cho nhiều người được hưởng lương những cảm xúc buồn vui xen lẫn. Bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả thị trường vẫn luôn "chạy trước" lương của người lao động, nhất là lương của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp vui với mức lương mới thì đã phải đối mặt với việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt.

Nỗi lo lương chưa tăng, giá đã tăng - Ảnh 2.

Người lao động lo bão giá trước khi tăng lương.

Chị Trần Minh Thùy (38 tuổi) là cán bộ của một đơn vị sự nghiệp công lập ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, thông tin tăng lương từ tháng 7 tới đây khiến chị và không ít người lao động vui mừng. Sau 15 năm đi làm, hiện tổng thu nhập gồm cả lương và phụ cấp của chị được nhận là 5,2 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này không đủ để chi tiêu, dù chị không mất tiền thuê nhà, không phải chi tiêu về quê nội ngoại do ông bà ở ngay cạnh…

"Dù tháng 7 tới đây mới được tăng lương nhưng giá cả đã nhích dần từ sau Tết Nguyên đán. Ra chợ mỗi thứ đắt lên một tí, đấy là tiền điện, tiền nước vẫn chưa tăng. Nếu điện, nước, xăng dầu, gas… cũng tăng trong năm nay thì số tiền tăng lương chắc cũng chỉ đủ để bù chi phí tăng giá", chị Thùy nói.

Tiền lương thể hiện bằng giá trị và giá cả của sức lao động trên thị trường và tiền lương chính là động lực tăng năng suất lao động. Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tăng lương cơ sở chỉ là giải pháp tình thế, còn cải cách tiền lương mới là giải pháp căn cơ, cốt lõi, cần phải thực hiện sớm.

Mức tăng lương tháng 7 tới đây là 20,8% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Quyết định tăng lương cơ sở trong thời điểm này là hợp lý, có ý nghĩa dù mức tăng chỉ mang tính chất động viên. Đây cũng là tiền đề để cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc, chảy máu chất xám.

Bình ổn giá, kiềm chế lạm phát thế nào?

Theo TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác thì cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, "lương tăng 1 đồng giá tăng 2 đồng".

Mục tiêu trước hết của việc tăng lương cơ sở đó là tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu lạm phát không được kiềm chế có hiệu quả, chỉ số tiêu dùng, giá các mặt hàng thiết yếu tăng song song hoặc tăng nhanh hơn mức tăng của lương.

Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin tăng lương cơ sở, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cùng với việc tăng lương cơ sở, còn có những chính sách xã hội khác để thu nhập của người lao động đảm bảo cuộc sống, đảm bảo tái tạo sức lao động, đảm bảo tích cực cống hiến. Đồng thời, tiếp tục thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Đặc biệt, chú trọng đến diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giả; công khai thông tin về giá.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức độ cao hơn một chút so với năm ngoái. Lý do chính là vì chúng ta có độ trễ, nhập khẩu nhiều, tác động vòng 2, vòng 3 của hàng nhập khẩu đến lạm phát tiêu dùng cũng chậm hơn .Theo đó, các yếu tố xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào làm tăng lạm phát ở vòng 1, đến vòng 2, vòng 3 là tác động lên lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng.

"Năm 2023, chúng ta cũng thuộc lộ trình bắt buộc phải tăng một số giá hàng hoá cơ bản như: Lương cơ bản và cũng đang cân nhắc để tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục là những dịch vụ thiết yếu cũng buộc phải tăng", TS Lực chỉ ra.

Vừa rồi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất Chính phủ tăng giá điện. Sau 10 năm chưa tăng giá nước sạch, doanh nghiệp cũng đang đề xuất tăng giá loại hàng thiết yếu này. Việc lương cơ bản tăng hơn 20% vào tháng 7/2023 sẽ là những yếu tố tác động mạnh đến lạm phát năm nay.

Từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã 8 lần điều chỉnh lương tối thiểu, riêng 4 năm gần đây, mức lương này đã tăng thêm 84,4% nhưng cán bộ công chức tại các đô thị lớn vẫn đang phải chật vật với đồng lương ít ỏi để mưu sinh. Trên thực tế, mỗi khi nhà nước đề xuất tăng lương thì giá cả thị trường đã ào ào chạy trước. Và lẽ dĩ nhiên trong cuộc đua này đồng lương công chức luôn bị hụt hơi trước những cơn bão giá của thị trường.

Tô Hội


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?