PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo Hà Nội về nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại các chốt kiểm soát giấy đi đường
Ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng việc siết chặt kiểm soát giấy đi đường đã khiến hàng loạt chốt kiểm soát bị ùn ứ, đông đúc, không đảm bảo giãn cách xã hội và có nguy cơ mất an toàn trước dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), anh Trần Văn Nam – trú tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Hà Nội ra văn bản quá gấp nên bản thân tôi cũng như nhiều người không thể chuẩn bị đúng theo yêu cầu. Trong buổi sáng nay (9/8), cán bộ trực chốt vẫn linh động cho di chuyển qua để đến cơ quan làm việc nhưng bản thân tôi thấy thực sự không an toàn khi dòng xe máy xếp hàng dài để chờ qua".
Trước vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội đưa ra phương án siết chặt kiểm soát giấy đi đường do đợt giãn cách xã hội 14 ngày đầu người dân vẫn đi lại nhiều, đường phố vẫn đông. Từ đó, xuất hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Chính vì vậy, trong lần giãn cách xã hội lần thứ 2, Hà Nội muốn hạn chế, kiểm soát chặt hơn nữa người dân ra đường khi không thật cần thiết nên đã ban hành những quy định trên.
"Hạn chế người dân ra đường là điều cần thiết, nhưng đã dẫn đến thực tế xảy ra việc tụ tập đông người tại các chốt kiểm soát. Tụ tập đông người là một trong những yếu tố có thể làm lây lan dịch bệnh, dù có chủ động thay thụ động", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.
Lý giải thêm, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: "Đối với việc không đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m thì nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu chẳng may trong số đó có F0. Đặc biệt, các cán bộ trực chốt thường xuyên dùng tay cầm giấy đi đường, giấy tờ của người dân thì nguy cơ lây nhiễm cao cho nhiều người nếu cán bộ trực chốt là F0 và ngược lại nếu có người dân đi đường nào là F0 thì lại lây cho cán bộ trực và từ đó lây cho người khác".