• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao

Nhiều năm qua công tác phòng, chống duy dinh dưỡng ở Nghệ An được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ mới. Tuy nhiên vẫn phải nói rằng công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở vùng cao vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao- Ảnh 1.

Phát tờ rơi tuyên truyền về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ.

Nhiều kết quả đạt được

Thời gian qua, Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp giảm, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em như mở các lớp làm bố, làm mẹ; các lớp thực hành tô màu bát bột cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi; bổ sung Vitamin A cho trẻ; đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng; xây dựng đội ngũ phòng, chống suy dinh dưỡng khắp từ tỉnh đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Phải nói rằng, chính nhờ những biện pháp đó mà công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em ở tỉnh Nghệ An đã được cải thiện đáng kể. Chị Trần Thị Mai, ở xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), chia sẻ: "Tôi có con trai 3 tuổi, do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên tôi cũng rất lo lắng việc đảm bảo sự phát triển cân nặng và chiều cao của con. Nhưng may nhờ Trạm Y tế xã tổ chức nhiều buổi tập huấn tô màu bát bột, tuyên tuyền cách nuôi con nhỏ, tư vấn kiến thức dinh dưỡng và buổi nào tôi cũng đến tham gia nên bản thân đã biết cách nuôi con như thế nào là đúng như cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho con ăn dặm đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy đến nay con của tôi đều phát triển đảm bảo chiều cao và cân nặng".

Ở xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ không riêng gì con trai của chị Mai mà nhiều đứa trẻ khác cũng đang được các cấp, ngành chú ý quan tâm về mặt phát triển, dinh dưỡng. Được biết, hàng tháng, Trạm y tế xã đã bám sát các gia đình có trẻ nhỏ để theo dõi tình hình phát triển thể chất, nhất là gia đình có trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc nguy cơ rơi vào suy dinh dưỡng.

Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ trẻ dưới 5 tuổi, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi, các cấp ngành ở xã đã tổ chức nhiều hoạt động có hiệu quả, chất lượng như cho trẻ uống vitamin A và tẩy giun đầy đủ đúng lịch, đúng độ tuổi; tuyên truyền phòng, chống suy dinh dưỡng được lồng ghép tại các buổi sinh hoạt của các đoàn thể; hàng tháng tổ chức cân, đo cho trẻ.

Chia sẻ với chúng tôi chị Thái Thị Dương – chuyên trách dinh dưỡng xã Kỳ Tân cho biết: "Để đảm bảo cho trẻ trên địa bàn được bổ sung đầy đủ vitamin A trong năm 2023, Trạm chúng tôi đã thực hiện rà soát đối tượng, lập danh sách và cử đội ngũ y tế thôn, xóm đến từng nhà phát giấy mời, phấn đấu không để bỏ sót, dự trù đến cả những trẻ em tạm trú không có hộ khẩu trên địa bàn. Đồng thời tích cực tuyên truyền trên Đài Truyền thanh 3 cấp về ý nghĩa, tác dụng của việc uống vitamin A."

Nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao- Ảnh 2.

Cán bộ Trạm Y tế xã hướng dẫn cách tô màu bát bột, chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ.

Những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, Ban chỉ đạo, điều hành phòng chống suy dinh dưỡng từ huyện đến xã, phường, thị trấn được thành lập và thường xuyên kiện toàn; đặc biệt thiết lập được một mạng lưới cộng tác viên phòng chống suy dinh dưỡng đến tận thôn, xóm, bản.

Các hoạt động triển khai của từng giai đoạn đều có những đánh giá cụ thể, từ đó đưa ra kế hoạch thực hiện có hiệu quả, phù hợp với từng địa phương. Hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế, cộng tác viên dinh dưỡng, dân số, gia đình và trẻ em, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, hội, đoàn thể trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cũng được triển khai cụ thể ứng với từng địa bàn phụ trách.

Một trong những hoạt động quan trọng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em là bổ sung vi chất dinh dưỡng uống vitamin A, được tổ chức vào các dịp "Tháng hành động vì trẻ em", "Ngày vi chất dinh dưỡng" (1–2 tháng 6 hàng năm) qua đó đã có hơn 98% trẻ trong độ tuổi được uống bổ sung vitamin A và cân, đo để theo dõi tình trạng dinh dưỡng; hơn 70% bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được bổ sung vitamin A liều cao. Một trong những thuận lợi của công tác phòng chống suy dinh dưỡng đó là các trường học kết hợp rất tốt trong hoạt động cho trẻ uống Vitamin A và sổ giun đạt tỷ lệ trẻ rất cao.

Cùng với đó hoạt động truyền thông về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tập trung vào "Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ" (ngày 1–7 tháng 8 hàng năm); "Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển" (ngày 16 – 23 tháng 10 hàng năm)… để những kiến thức về vi chất dinh dưỡng và suy dinh dưỡng trẻ em có thể đến được với đông đảo người dân.

Nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao- Ảnh 3.

Thực hiện tiêm chủng và cho trẻ uống vitamin A đúng lịch, đủ liệu trình

Câu chuyện dinh dưỡng cho trẻ ở Tân Kỳ cũng chính là tình hình chung của công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở Nghệ An. Những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được chú trọng. Nhờ đó, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở Nghệ An có những tiến bộ.

Theo kết quả đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong các năm 2020 -2022: Kết quả giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi từ 26% năm 2020 giảm xuống còn 25.5% năm 2021 và năm 2022 giảm còn 25.2%. Đối với suy dinh dưỡng nhẹ cân từ 15.7% năm 2020 giảm xuống còn 15.2% năm 2021 và năm 2022 giảm xuống còn 14.8%.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn phải nói rằng, công tác phòng chống suy dinh dưỡng của Nghệ An còn gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Nghệ An còn cao hơn từ 3% trở lên so với tỷ lệ trung bình chung. Chênh lệch chỉ số suy dinh dưỡng giữa các vùng miền còn lớn.

Nghệ An vẫn nằm trong nhóm 22 tỉnh có tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao của cả nước… Những hạn chế của công tác này được nhìn nhận rõ: Ở các huyện vùng cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn của trẻ rất nghèo nàn.

Nhận thức của người dân nhiều hạn chế, chưa quan tâm đến chế độ dinh dưỡng nên nhiều gia đình dù điều kiện kinh tế khá giả nhưng con vẫn bị suy dinh dưỡng. Những phong tục, tập quán lạc hậu, thiếu hoa học như cho trẻ ăn dặm sớm, ăn không đúng cách, mẹ nhai dặm cho con, ít ăn rau củ quả còn tồn tại...

Trong khi đó, hoạt động truyền thông về phòng, chống suy dinh dưỡng ở cơ sở vẫn nhiều hạn chế do kinh phí chương trình bị cắt giảm, phân bổ chậm gây khó khăn phải triển hoạt động. Mạng lưới triển khai hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng chưa ổn định, thiếu đồng bộ, nhiều cán bộ làm dinh dưỡng đã chuyển sang làm công tác khác.

Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế còn nhiều hạn chế, phụ cấp thấp nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm. Bên cạnh đó, ở nhiều xã, huyện, công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức.

Nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao- Ảnh 4.

Khám sức khỏe cho trẻ tại Trạm Y tế xã

BS CKI Nguyễn Viết Xuân – Phó Giám đốc TTYT Tân Kỳ cho biết: Công tác truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng đến tận nhà tư vấn cung cấp kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, hướng dẫn cách cân, đo theo dõi tăng trưởng phục hồi trẻ suy dinh dưỡng, đa dạng hóa thực phẩm cho bữa ăn gia đình, phòng chống thiếu Vitamin A, thiếu sắt, I ốt và sự phát triển của trẻ nhỏ.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Tân Kỳ vẫn còn một số khó khăn như nguồn nhân lực vẫn còn thiếu, kinh phí dành cho chương trình phòng chống suy dinh dưỡng không được cấp về nên việc duy trì các hoạt động như hoạt động tô màu bát bột rất khó khăn. Một số người dân có con bị suy dinh dưỡng nhưng vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng nên không chủ động đưa con đi cân đo hàng tháng khiến công tác theo dõi càng khó khăn vất vả.

Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống suy dinh dưỡng

Từ năm 2022 trở lại đây, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở các huyện miền núi đã và đang có phần khởi sắc hơn khi mà Thủ tướng đã có Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về việc phê duyệt "Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025".

Trong đó có Dự án 7 "chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em"… Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 749/KH-UBND ngày 27/10/2022 về kế hoạch hành động phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao- Ảnh 5.

Các bà mẹ nuôi con nhỏ thường xuyên tham dự các buổi tư vấn về dinh dưỡng do cán bộ Trạm Y tế tổ chức.

Mới đây, CDC Nghệ An tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai các hoạt động nội dung 3 - Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 (Chương trình MTQG 1719) tại 12 huyện thụ hưởng Đề án trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Nội dung tập trung vào chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số; Các quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình; Hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi; Cung cấp dịch vụ chăm sóc trước sinh; Chăm sóc theo dõi bà mẹ và trẻ sơ sinh trong ngày đầu sau đẻ; Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà từ ngày thứ 2 đến hết 6 tuần đầu sau đẻ; Triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời...

Hiện nay, Nghệ An đang thực hiện và hướng tới mục tiêu chiến lược quốc gia về dinh dưỡng (giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 24,4% và thể nhẹ cân xuống còn 13,5% vào năm 2025; trên 99% trẻ em dưới 06 - 60 tháng tuổi; 90% bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được bổ sung viên nang Vitamin A liều cao 2 lần/năm).

Bác sĩ Hoàng Quốc Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: Để thực hiện tốt các mục tiêu này, thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; vận động lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về dinh dưỡng; nâng cao năng lực thực hiện công tác về dinh dưỡng; tập trung khắc phục tình trạng an ninh lương thực ở nhiều vùng còn bấp bênh do chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt bất thường; khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao mức sống.

Về phía ngành y tế Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp: Tăng cường đào tạo, tập huấn và giám sát chuyên môn về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; hướng dẫn thực hành kỹ thuật chế biến thức ăn và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì; xây dựng mô hình phòng, chống suy dinh dưỡng đặc thù cho từng vùng; tổ chức các chiến dịch bổ sung vitamin A, chiến dịch phòng, chống suy dinh dưỡng; triển khai có hiệu quả chương trình sữa học đường; cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, vùng cần được hỗ trợ khẩn cấp về dinh dưỡng.

Nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng cao- Ảnh 6.

Thực hiện tốt việc cho trẻ uống Vitamin A liều cao để phòng chống suy dinh dưỡng.

Bác sĩ Hoàng Quốc Kiều bày tỏ: Để công tác Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ đảm bảo bền vững, cùng với sự quan tâm của tỉnh, các ngành thì chính quyền các địa phương và cộng đồng cần đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng. Các hộ gia đình cần tăng gia sản xuất nuôi trồng để tạo nguồn thực phẩm lành mạnh phục vụ bữa ăn tại gia đình; phát triển trồng cây công nghiệp sản xuất hàng hóa, vừa đáp ứng thực phẩm bổ sung cho bữa ăn; tăng cường hơn nữa các giải pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Và hơn hết là cần quan tâm đến sự phát triển của trẻ.

Khánh Tâm – Hương Trà


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?