Người đàn ông tử vong sau 3 tuần uống nước kiềm chữa ung thư dạ dày, bệnh này điều trị thế nào?
Người đàn ông 47 tuổi, ở Bắc Giang bị ung thư dạ dày, tử vong sau ba tuần uống nước kiềm chữa bệnh. Vậy ung thư dạ dày chữa thế nào, tiên lượng bệnh ra sao?
Biểu hiện sớm của bệnh ung thư dạ dày
Bệnh ung thư dạ dày thường tiến triển âm thầm, triệu chứng mơ hồ, không điển hình nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác.
Triệu chứng lâm sàng của ung thư dạ dày thường không đặc hiệu, dễ nhầm với các triệu chứng bệnh lành tính. Khi triệu chứng lâm sàng điển hình thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng thường không đặc hiệu, một số dấu hiệu sau đây có thể giúp nhận biết:
- Người bệnh có biểu hiện chán ăn
- Đầy hơi, ậm ạch, khó tiêu
- Đau thượng vị ở nhiều mức độ khác nhau (thoảng qua hoặc liên tục, có lúc không có liên quan đến bữa ăn)
- Nôn và buồn nôn
- Mệt mỏi
Giai đoạn muộn hơn có thể khám phát hiện thêm một số triệu chứng như:
- Xuất huyết tiêu hoá: nôn ra máu, ỉa phân đen
- Đau thượng vị kiểu loét điển hình
- Nuốt nghẹn, đau sau xương ức đối với ung thư tâm vị
- Nôn do hẹp môn vị
Ngoài ra, các triệu chứng toàn thân ở người bệnh ung thư dạ dày là suy kiệt, thiếu máu, sốt do hội chứng cận u, mệt mỏi.
Điều trị ung thư dạ dày
Cũng như các loại ung thư khác, ung thư dạ dày được điều trị đa mô thức trong đó phẫu thuật là phương pháp mang tính triệt căn đối với ung thư dạ dày. Điều trị tốt nhất là cắt rộng tổn thương và vét hạch khu vực tối đa trong điều kiện có thể được.
Ở giai đoạn muộn, phẫu thuật là phương pháp điều trị triệu chứng nhằm cải thiện chất lượng sống của người bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương pháp điều trị tiếp theo hy vọng kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Nguyên tắc trong phẫu thuật dạ dày bao gồm: phẫu thuật cắt rộng tổn thương u, vét hạch khu vực và lập lại lưu thông tiêu hoá.
Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày chỉ định:
- Cắt dạ dày bán phần kèm vét hạch: Được chỉ định cho những khối u vùng môn vị, hang vị hoặc bờ cong lớn.
- Cắt toàn bộ dạ dày kèm vét hạch: được chỉ định cho những khối u ở ½ trên của dạ dày, ung thư dạ dày thể thâm nhiễm lan toả.
- Giai đoạn 1a: Cắt bỏ niêm mạc dạ dày hoặc cắt dạ dày bảo tồn thần kinh, cơ thắt môn vị.
- Giai đoạn 1b – 2: Cắt dạ dày chuẩn và vét hạch.
- Giai đoạn 3: Cắt dạ dày chuẩn, vét hạch hoặc cắt dạ dày mở rộng với u giai đoạn T4.
- Giai đoạn 4: Phẫu thuật triệu chứng (cắt đoạn dạ dày không vét hạch, phẫu thuật nối vị tràng…) với các trường hợp có hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hoá….
Hoá trị trong điều trị ung thư dạ dày
Hoá chất đóng vai trò điều trị bổ trợ bệnh ung thư dạ dày giai đoạn xâm lấn và điều trị triệu chứng giai đoạn muộn.
Hoá trị bổ trợ trước phẫu thuật: được coi là biện pháp điều trị bổ sung trước mổ với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển tại chỗ. Phương pháp này có tác dụng giảm giai đoạn chuyển từ ung thư không mổ được sang mổ được, mặt khác làm tăng cơ hội điều trị triệt căn cho những bệnh nhân có khả năng phẫu thuật bằng cách tiêu diệt các ổ vi di căn.
Hoá trị bổ trợ được chỉ định cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn 2-3 đã được phẫu thuật triệt căn. Phác đồ hóa chất bổ trợ cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt đoạn dạ dày triệt căn có nạo vét hạch.
Hoá trị triệu chứng được áp dụng cho các ung thư dạ dày tiến triển không có khả năng phẫu thuật triệt căn hoặc các bệnh nhân ung thư dạ dày tái phát, di căn xa với mục đích giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện thời gian sống cho người bệnh.
Xạ trị điều trị ung thư dạ dày
Vai trò của xạ trị trong điều trị ung thư dạ dày còn nhiều hạn chế. Xạ trị được chỉ định để tiêu diệt nốt tế bào ung thư còn sót lại hoặc không thể lấy hết bằng phẫu thuật. Một số trường hợp áp dụng hóa xạ trị đồng thời cho những tổn thương dạ dày tiến triển tại chỗ không có khả năng phẫu thuật triệt căn có thể kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng sống. Xạ trị có thể áp dụng để điều trị triệu chứng như giảm đau, giảm chảy máu hoặc hẹp môn vị…. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ định xạ trị ung thư dạ dày ít được áp dụng do những tác động không mong muốn của xạ trị còn nhiều.
Điều trị đích đối với ung thư dạ dày
Điều trị ung thư dạ dày có nhiều hứa hẹn cho lĩnh vực ung thư nói chung, ung thư dạ dày nói riêng. Đây là các loại thuốc tác động vào hệ thống miễn dịch để ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
Những người bị bệnh tim và phổi tiến triển có thể không dung nạp được các liệu pháp điều trị tấn công. Sau phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, bác sĩ sẽ theo dõi bằng cách chỉ định chụp lại cắt lớp vi tính vùng bụng và nội soi dạ dày - ruột để đảm bảo rằng ung thư không tái phát.
Liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân
Liệu pháp miễn dịch hỗ trợ điều trị ung thư là liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân của cơ thể trong ngăn ngừa và tiêu diệt tế bào ung thư.
Để điều trị ung thư dạ dày đạt hiệu quả cao thì yếu tố quyết định đó là giai đoạn bệnh. Bệnh càng phát hiện ở giai đoạn sớm thì càng dễ dàng trong việc điều trị. Ngoài ra, việc bệnh nhân trong quá trình điều trị có ý chí chiến đấu cao và lạc quan thường có nhiều cơ hội khỏi bệnh hơn.
Theo dõi và tiên lượng ung thư dạ dày
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định theo dõi định kỳ 3 tháng/lần trong 2 năm đầu, sau đó 6 tháng/lần trong các năm tiếp theo.
Khám lâm sàng, chụp X-quang phổi, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm chỉ điểm khối u. Nội soi dạ dày nếu nghi ngờ tái phát.
Tại Việt Nam, hơn 90% người ung thư dạ dày đến viện trong giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn, tỷ lệ khỏi bệnh và sống trên 5 năm sau phẫu thuật thấp. Nhìn chung, tỷ lệ sống thêm 5 năm tính chung cho tất cả các giai đoạn là 15%, khi không có di căn hạch, tỷ lệ sống thêm 5 năm là 60%, tương ứng với trường hợp hạch N1 là 35%, hạch N2 là 10%.
Chính vì vậy, người bệnh nên sáng suốt, có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Gia đình cần bình tĩnh và trao đổi kỹ với bác sĩ để người thân được điều trị tốt nhất. Bệnh nhân được chăm sóc hỗ trợ ngay từ lúc khám bệnh để giảm nhẹ về tâm lý và áp lực bệnh tật, không bỏ điều trị.
Bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết bệnh nhân nam 47 tuổi quê Bắc Giang mắc ung thư giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật do khối u lan rộng. Bác sĩ tư vấn dùng hóa chất để nâng cao thể trạng, kéo dài sự sống. Tuy nhiên, người bệnh từ chối điều trị, xin về nhà "uống nước kiềm để tăng sức đề kháng, giảm cân, ổn định huyết áp, thải độc, thu nhỏ khối u".
Theo lời kể của người bệnh, hàng ngày bệnh nhân chỉ uống nước, không ăn để bỏ đói tế bào ung thư. Sau 3 tuần, bệnh nhân suy kiệt, nhập viện cấp cứu song không qua khỏi.
Trên thực tế, nước kiềm hay nước có tính kiềm được xác định dựa trên độ pH của nước. Độ pH >7 thì dung dịch có tính kiềm. Theo các bác sĩ, đây chỉ là nước điện giải, có thể bổ sung đề kháng cho con người, không thể thay thế thuốc chứa bệnh.
Nhiều người tin rằng nước kiềm có thể giúp trung hòa axit dư thừa trong cơ thể hoặc ăn các thực phẩm giầu kiềm như các loại hạt, rau, củ, quả, rong biển, trái cây... giúp kiềm hóa máu và ngăn chặn khối u. Song chưa có nghiên cứu nào khẳng định chỉ uống nước kiềm có thể trị bệnh dạ dày và ung thư. Y khoa chưa ghi nhận trường hợp nào khỏi ung thư chỉ nhờ thuốc nam, thuốc gia truyền. Người bệnh nhịn ăn càng khiến hệ miễn dịch suy giảm, nhanh suy kiệt và tử vong hơn.
BS Trịnh Thị Mai