Lý do Bộ Y tế đề xuất người mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo... được chi trả 100% mức hưởng BHYT
Trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần 2, Bộ Y tế đề xuất quy định hưởng BHYT 100% trong phạm vi mức hưởng đối với người bệnh được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư, đột quỵ, bại liệt...
Có phải ai mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo cũng được hưởng BHYT 100%?
Tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần 2 đang lấy ý kiến rộng rãi và sẽ kết thúc vào ngày 12/10 tới đây, trong nội dung về điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, Bộ Y tế đề xuất quy định tỉ lệ hưởng BHYT 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng đối với:
- Một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định của Bộ Y tế.
- Trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo quy định của Bộ Y tế.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, quy định người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế hoặc đối với một số trường hợp bệnh đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám, chữa bệnh BHYT được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo mức hưởng quy định sẽ giúp tiết kiệm chi cho quỹ BHYT do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên.
Từ đó góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Cùng đó, người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.
Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt,...., nếu như với đề xuất trên, người mắc các bệnh trong danh mục sẽ không cần phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT nhưng vẫn được hưởng tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng.
Về đề xuất này, theo đại diện Vụ BHYT điều này không đồng nghĩa với việc BHYT chi trả 100% chi phí khám, điều trị bệnh mà người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng.
Theo đó, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT hiện hành theo tỉ lệ thanh toán 80%, 95% và 100% đối với từng trường hợp cụ thể.
Đại diện Vụ BHYT giải thích thêm ví dụ những bệnh nhân mắc bệnh về máu, tim mạch,… là những bệnh chỉ có cơ sở y tế chuyên môn tuyến cuối mới điều trị được, người bệnh không cần xin giấy chuyển tuyến theo trình tự. Bệnh nhân đến cơ sở chuyên môn và được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định.
Tương tự, với những bệnh nhân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo,… cũng sẽ được chi hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định mà không cần chuyển tuyến theo trình tự khám chữa bệnh BHYT.
Tuy nhiên, đại diện Vụ BHYT cũng cho biết thêm trường hợp tỉ lệ hưởng BHYT 100% theo phạm vi được hưởng cho người bệnh "vượt tuyến" chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp đặc biệt, một số loại bệnh chứ không phải tất cả. Tránh tình trạng người dân ồ ạt lên tuyến chuyên môn cao để điều trị các loại bệnh thông thường, gây tình trạng quá tải.
Đề xuất mở rộng độ tuổi được hưởng quyền lợi BHYT trong điều trị lác, cận thị lên 18 tuổi
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất quy định người bệnh mắc các bệnh mạn tính khi chuyển về cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu quản lý, sẽ được cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng ở cấp chuyên môn cao hơn.
Đồng thời được quỹ BHYT thanh toán theo tỉ lệ 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT.
Bộ Y tế cũng đề xuất mở rộng độ tuổi được hưởng quyền lợi BHYT trong điều trị tật về mắt (lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt) đối với người dưới 18 tuổi.
Theo quy định hiện hành, Quỹ BHYT chỉ thanh toán chi phí này với trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, theo đánh giá, điều này chưa phù hợp về chuyên môn.
Lý do được Bộ Y tế đưa ra là tuổi được chỉ định kỹ thuật này thường trên 6-18 tuổi mới bảo đảm hiệu quả. Vì thế, từ khi ban hành Luật BHYT (hiệu lực từ năm 2009) đến nay, hầu như không có trẻ em được hưởng quy định này.
Tính đến tháng 12/2023, toàn quốc có trên 93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 93,15% dân số.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo.
Quỹ BHYT luôn được cân đối và có kết dư đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, bảo vệ tài chính cho người tham gia BHYT khi ốm đau bệnh tật phải khám và điều trị. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Năm 2023 số chi khám chữa bệnh BHYT từ quỹ BHYT là khoảng 123 nghìn tỷ đồng gấp 8 lần so với năm 2009.
Trong 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho khám chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính rất quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân.
Cùng đó, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã thực sự mang ý nghĩa chia sẻ rất lớn, giữa người khỏe và người có bệnh, người đóng cao và người đóng thấp.
Thái Bình