Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường sau bão lụt tại một số địa phương bị ngập lụt
Ngày 20/9/2024, đoàn công tác của Sở Y tế Hưng Yên do đồng chí Nguyễn Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, đảm bảo nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm… sau bão lũ tại một số địa phương thuộc huyện Phù Cừ và Tiên Lữ. Cùng đi có một số đồng chí lãnh đạo phòng chuyên môn của Sở Y tế; lãnh đạo trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Phù Cừ và Tiên Lữ.
Qua kiểm tra cho thấy, 100% các xã, thị trấn (vùng ngập, lụt) đã phun khử khuẩn và hoá chất diệt côn trùng cho trường học, trạm y tế, chợ, uỷ ban nhân dân xã và các hộ gia đình bị ngập lụt. Các trạm y tế đã làm tốt công tác chuẩn bị hậu cần, thiết bị, vật tư, sẵn sàng trong mọi tình huống, bảo đảm trực để tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân với phương châm 4 tại chỗ (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ). Các phòng ban của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn cán bộ y tế xã thực hiện kỹ thuật xử lý nước sạch tại chỗ, xử lý ô nhiễm môi trường để hướng dẫn người dân thực hiện, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Đoàn kiểm tra tại TTYT huyện Phù Cừ
Đồng chí Nguyễn Nguyễn Quang Lâm đặc biệt lưu ý sau khi nước rút, nhiều nơi có thể sẽ để lại một lượng bùn lớn, cộng với rác thải, xác động vật chết gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Do đó, các đơn vị y tế cần tăng cường giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường với tinh thần "nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó"; tổ chức thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc-tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút; triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Đoàn kiểm tra tại Trạm Y tế xã Thuỵ Lôi (Tiên Lữ)
Đồng chí Trưởng đoàn chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện và các Trạm Y tế cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong mùa mưa lũ, ngập lụt như: Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A, bệnh do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm), viêm đường hô hấp (cúm, viêm họng), đau mắt đỏ, mụn nhọt, nấm ngứa tay chân, bệnh phụ khoa, bệnh do muỗi truyền (sốt xuất huyết). Đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện tại các địa bàn có nguy cơ cao (mưa nhiều, lũ lụt, ngập úng). Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, doanh nghiệp, trường học đặc biệt là mạng lưới y tế thôn trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh, ổ dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời, triệt để. Tăng cường phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ, ngập lụt. Giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để áp dụng các biện pháp phòng bệnh dịch lây nhiễm từ động vật sang người, dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Kiểm tra, hướng dẫn xử lý môi trường tại thôn Thuỵ Dương, Thuỵ Lôi, Nam Sơn, (Tiên Lữ)
Đoàn kiểm tra yêu cầu các đơn vị bố trí đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện phòng hộ... phục vụ công tác phòng chống dịch, công tác điều trị tại các tuyến; sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi được huy động. Duy trì hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng đảm bảo đạt chỉ tiêu tiêm chủng Sở Y tế giao năm 2024. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức nâng cao năng lực dự báo, giám sát, quản lý, điều trị, cấp cứu cho cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch tại các tuyến. Bảo đảm công tác thường trực cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, sẵn sàng thu dung cấp cứu người bệnh và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra tại các vùng bị mưa lũ và ngập lụt. Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong, biến chứng.