Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về chức năng, nhiệm vụ Chi cục Dân số các tỉnh, thành phố
Theo Thông tư mới nhất của Bộ Y tế, Chi cục Dân số là tổ chức thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện chức năng tham mưu giúp Sở Y tế quản lý nhà nước về công tác dân số...
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế.
Theo Thông tư, Bộ Y tế nêu rõ Chi cục Dân số là tổ chức thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện chức năng tham mưu giúp Sở Y tế quản lý nhà nước về công tác dân số, bao gồm các lĩnh vực: quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về dân số trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Dân số tỉnh chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Y tế; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Dân số thuộc Bộ Y tế.
Chi cục Dân số tỉnh có tư cách pháp nhân, có trụ sở làm việc, có con dấu và tài khoản riêng.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chi Cục Dân số, Bộ Y tế nêu rõ Chi Cục có 20 chức năng, nhiệm vụ, cụ thể:
Thứ nhất, tham mưu giúp Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, quy chế phối hợp liên ngành, biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và xã hội hóa về công tác dân số trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, trình Sở Y tế ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình phối hợp liên ngành trong lĩnh vực dân số trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về dân số đã được phê duyệt;
Thứ tư, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác dân số trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, tham mưu cấp có thẩm quyền lồng ghép nội dung dân số trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Thứ sáu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra và tổ chức thực hiện.
Thứ bảy, về quy mô dân số:
- Theo dõi biến động về dân số, trình cấp có thẩm quyền đề xuất các giải pháp, mô hình điều chỉnh mức sinh và tỷ lệ tăng dân số trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng dự báo dân số phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ tám, về cơ cấu dân số:
- Xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp can thiệp về cơ cấu dân số theo giới tính và độ tuổi trên địa bàn tỉnh;
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật để bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Thứ chín, về chất lượng dân số:
- Xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp can thiệp về chất lượng dân số để góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh;
- Hướng dẫn, triển khai thực hiện các đề án nâng cao chất lượng dân số, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh.
Thứ mười, về kế hoạch hóa gia đình:
- Xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu về thực hiện kế hoạch hóa gia đình, biện pháp tránh thai; hướng dẫn các biện pháp phòng tránh vô sinh tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh;
- Dự báo nhu cầu phương tiện tránh thai; quản lý điều phối hoạt động cung ứng phương tiện tránh thai qua các kênh phân phối miễn phí, tiếp thị xã hội, xã hội hóa trong chương trình dân số.
Mười một, về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng:
- Xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho người cao tuổi tại cộng đồng;
- Hướng dẫn tổ chức thực hiện tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho người cao tuổi tại cộng đồng; phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi, phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng đồng.
Mười hai, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan hướng dẫn chuyên môn, thực hiện các hoạt động truyền thông, vận động, giáo dục và cung cấp dịch vụ tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Mười ba, tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong phạm vi thẩm quyền được giao.
Mười bốn, phối hợp xây dựng hệ thông tin quản lý dữ liệu về dân số, chuyển đổi số trong công tác dân số; tổ chức thực hiện công tác thống kê, thông tin và báo cáo về dân số theo quy định.
Mười lăm, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về hoạt động của các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về dân số thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh: Dịch vụ tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, tư vấn sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Mười sáu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dân số cho công chức, viên chức dân số, cộng tác viên và người làm công tác dân số trên địa tỉnh theo quy định.
Mười bảy, quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; tài chính, tài sản được giao; quản lý các tổ chức sự nghiệp thuộc Chi cục (nếu có); thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Sở Y tế.
Mười tám, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Sở Y tế.
Mười chín, tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo về công tác dân số của tỉnh.
Hai mươi, thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/2/ 2024. Đồng thời, Bộ Y tế nêu rõ, Phần 1 của Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương hết hiệu lực, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Thái Bình