Cuộc chiến COVID-19, tấn công nhanh phòng thủ chặt
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhiều địa phương đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Tấn công nhanh bằng công tác xét nghiệm diện rộng, phòng thủ chặt nhằm ngăn chặn những mối nguy xâm nhập đã góp phần phòng, chống hiệu quả.
Tấn công nhanh
Ngày 3/5/2021, khi TP Đà Nẵng xuất hiện trường hợp bệnh nhân COVID-19 là một nhân viên khách sạn. Ngay sau đó, chuỗi những ngày căng thẳng khi thông tin về những ổ dịch, ca dịch mới trên địa bàn được phát hiện tại hầu hết các địa phương, những lo lắng bất an từ phía người dân, những áp lực công việc khi chỉ còn 20 ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp … đã đặt thành phố vào một cuộc chiến “cân não” thực sự.
Xét nghiệm diện rộng được đánh giá là một trong những chìa khóa quan trọng trong cuộc chiến chống dịch
Bằng kinh nghiệm từ những trận chiến đã qua, một cuộc chạy đua mới với thời gian đã được triển khai quyết liệt và thần tốc. Các kế hoạch, phương án, kịch bản cho từng tình huống diễn biến của dịch kèm theo nhân lực, máy móc vật tư, trang thiết bị y tế, kể cả sinh phẩm xét nghiệm, cơ sở cách ly tập trung … đã được chuẩn bị chu đáo; ngay lập tức đã kích hoạt khi tình hình dịch bệnh có những diễn biến bất thường toàn bộ hệ thống để có thể tiến hành một cách chuyên nghiệp, bài bản, phối hợp nhịp nhàng các các hoạt động điều tra, truy vết, tổ chức cách ly tập trung, phong tỏa “mềm”, phong tỏa “cứng”…
Công tác xét nghiệm diện rộng đã được triển khai, những “kẻ thù” ẩn mình đã nhanh chóng bị phát hiện, cô lập để hạn chế nguy cơ gây hại cho cộng đồng. Những kỷ lục về số lượng mẫu xét nghiệm hàng ngày của Đà Nẵng liên tục bị phá vỡ và lúc cao điểm nhất đã đạt đến 31.451 mẫu vào ngày 19/5…Đến ngày 19/5, tổng số mẫu xét nghiệm của Đà Nẵng đã đạt gần 200.000 mẫu và thành phố tự tin sẽ hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ các hộ gia đình trong vài ngày tới.
Tại TP.HCM, trước khi xuất hiện các trường hợp bệnh nhân tại TP Thủ Đức, Q. 7 và Q. 3, công tác xét nghiệm diện rộng cũng đã được triển khai đặc biệt là cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến 16h ngày 16/5, TP.HCM đã lấy 75.247 mẫu từ hơn 100 bệnh viện trong TP, kể cả các bệnh viện thuộc bộ, ngành, để xét nghiệm COVID-19. Trong đó, 47.696 mẫu của nhân viên y tế, 16.039 mẫu của người bệnh và 7.620 mẫu của người chăm sóc người bệnh.
Trong thời gian tới, các bệnh viện sẽ tiếp tục chọn những khoa trọng điểm, có nguy cơ cao để lấy mẫu cho những bệnh nhân mới nhập viện được xét nghiệm COVID-19, nhân viên y tế tại các khoa này cũng sẽ được lấy mẫu định kỳ để xét nghiệm COVID-19.
Phòng thủ chặt
Các lực lượng trên tuyến biên giới ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập
Việc xét nghiệm diện rộng có thể giúp phát hiện dịch bệnh thì công tác kiểm soát chặt ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập theo nhiều tầng, nhiều lớp giúp hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Trên dọc tuyến biên giới các lực lượng chức năng liên tục thực hiện công tác tuần tra kiểm soát nhằm ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Trên thực địa tại các tổ chốt, tại các cửa khẩu, các lực lượng chức năng tập trung vào các hướng, địa bàn trọng điểm, phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới. Kiểm tra, rà soát lại các vị trí, tổ chốt và lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tăng cường khi có tình huống xảy ra. Theo thông tin từ ngành chức năng chỉ tính riêng ngày 19/5, lực lượng Bộ đội biên phòng đã bắt giữ 43 trường hợp nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Đồng Tháp và An Giang.
Chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ TP.HCM đã được triển khai từ 15/5
Việc phòng thủ chặt không chỉ được thực hiện trên các tuyến biên giới mà còn được nhiều địa phương triển khai với nhiều cấp độ khác nhau tùy vào nguy cơ và tình huống cụ thể.
Tại TP.HCM, từ 0h ngày 15/5, 12 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ TP.HCM bước vào hoạt động chính thức. Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, kiểm soát quân sự, y tế, công an địa phương... phân chia nhiệm vụ kiểm soát dịch người đi đường, xe cộ vào TP.
Người đi đường có nhiệt độ trên 37,5oC sẽ được hướng dẫn ngồi đợi để đo lại lần hai, nếu nhiệt độ vẫn không thay đổi thì lực lượng chức năng sẽ ghi văn bản, thông tin cá nhân và liên hệ với bệnh viện gần nhất để xem xét cách ly theo dõi.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, nếu người này vẫn sốt thì tiến hành điều tra dịch tễ, sau đó áp dụng chỉ định cách ly, xét nghiệm COVID-19 theo quy định của ngành y tế.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, công tác ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập để bảo đảm sản xuất cũng đã được triển khai quyết liệt các “tổ COVID-19” trong doanh nghiệp đã được thành lập và thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc, tự giác và hiệu quả.
Phúc Võ