Cung ứng 500.000 liều vaccine 5 trong 1 để tiêm chủng miễn phí cho trẻ
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Viện vừa chuyển 500.000 liều vaccine 5 trong 1 tới các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trên cả nước. Vaccine này tiêm miễn phí cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thông tin với PV Báo Sức khỏe & Đời sống sáng 20/4, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận và có kết quả kiểm định vaccine 5 trong 1, Viện đã ký quyết định phân bổ 500.000 liều tới các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực trên cả nước từ ngày 16/4.
Sau khi nhận được số vaccine này, các Viện khu vực sẽ điều phối và phân bổ vaccine theo nhu cầu của mỗi địa phương trong khu vực phụ trách.
"Số vaccine 5 trong 1 này sẽ sớm được chuyển tới các địa phương để triển khai tiêm chủng thường xuyên và tiêm bù cho các bé chưa được tiêm chủng đầy đủ 3 liều vaccine 5 trong 1"- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Được biết, số vaccine 5 trong 1 này đủ để tiêm cho trẻ trong 2 tháng tới. Đây là số vaccine nằm trong 2,8 triệu liều vaccine 5 trong 1 mà Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện thủ tục mua sắm đấu thầu trong Quý 1/2024.
Bộ Y tế sẽ liên tục cung ứng vaccine này trong các đợt tiếp theo, tới các địa phương, đảm bảo ổn định nguồn cung vaccine 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên năm nay.
Liên quan đến vaccine 5 trong 1, khoảng gần cuối tháng 12/2023 từ nguồn vaccine 5 trong 1 do Chính phủ Úc tài trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cấp vaccine 5 trong 1 đủ tiêm chủng cho khoảng 150.000 cháu.
Vaccine này sẽ được ưu tiên sử dụng tiêm mũi 1 cho trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi sau đó có thể sử dụng tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi.
Vaccine DPT-VGB-Hib (SII) hay còn gọi là vaccine 5 trong 1 là vaccine phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, đối tượng trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này và ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển của trẻ, thậm chí là tử vong.
Trên toàn quốc, ghi nhận trên 14.000 điểm tiêm chủng (gồm các điểm tiêm tại trạm Y tế và điểm tiêm chủng ngoài trạm). Những nơi có điểm tiêm chủng ngoài trạm cao tập trung tại các tỉnh khu vực miền núi khó khăn, khó tiếp cần được với cộng động...
Liên quan đến công tác tiêm chủng mở rộng, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ là đối tượng tiêm chủng của năm 2023 chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý trong Nghị định 13 của Chính phủ ban hành tháng 2/2024 nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở tiêm chủng ở địa phương cần căn cứ số lượng đối tượng tiêm chủng, thời gian và định mức sử dụng từng loại vaccine để lập dự kiến nhu cầu vaccine của cả năm gửi cơ quan được giao quản lý về tiêm chủng cấp huyện tổng hợp gửi Sở Y tế trước ngày 30/5 hằng năm để chỉ đạo việc cấp vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bài và ảnh: Thái Bình