COVID-19 có thể làm tăng khả năng mắc các vấn đề về tiêu hóa
Nghiên cứu mới cho thấy những người từng mắc COVID-19 có nhiều khả năng gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như ợ nóng, đầy hơi… hơn những người khác.
Theo một phân tích mới được công bố trên Tạp chí Nature Communications, những người đã từng mắc COVID-19 có nhiều khả năng mắc các chứng rối loạn đường tiêu hóa (GI) như ợ nóng, đầy hơi hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) trong năm sau nhiễm bệnh, so với những người chưa từng mắc COVID-19.
TS. Ziyad Al-Aly, Đại học Washington ở Saint Louis cho biết, các vấn đề về đường tiêu hóa là một trong những vấn đề đầu tiên được cộng đồng bệnh nhân báo cáo. Đường tiêu hóa đóng vai trò là nơi chứa virus. Nhìn chung, khả năng rối loạn đường tiêu hóa ở những người mắc COVID-19 cao hơn 36% so với những người không bị nhiễm virus. Nguy cơ xuất hiện ngay cả ở những người mắc COVID-19 nhẹ đến trung bình không cần nhập viện.
Nghiên cứu cho thấy rằng, COVID-19 kéo dài có thể gây hại cho hệ tiêu hóa theo nhiều cách, gây ra các vấn đề về gan, viêm tụy cấp, IBS (hội chứng ruột kích thích) và loét niêm mạc dạ dày, ruột, TS. Ziyad Al-Aly cho biết.
Theo các phát hiện, những tháng sau khi nhiễm COVID-19 cũng có liên quan đến việc tăng khả năng bị táo bón, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi và nôn…
Loét dạ dày là tình trạng phổ biến sau mắc COVID-19.
1. Một số vấn đề tiêu hóa phổ biến sau COVID-19
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích hơn 14 triệu hồ sơ y tế trong cơ sở dữ liệu của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ cho thấy, các chẩn đoán phổ biến nhất là các bệnh liên quan đến axit, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày…
Sau khi các nhà nghiên cứu tính toán mức độ phổ biến của các vấn đề tiêu hóa khác nhau trong tất cả các nhóm, sử dụng các mô hình toán học để ước tính mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đến rủi ro này cho thấy, những người đã mắc COVID-19 được quan sát thấy có nguy cơ cao mắc một số bệnh về tiêu hóa, bao gồm:
- Tăng 62% nguy cơ phát triển loét ở niêm mạc dạ dày hoặc ruột non
- Tăng 35% nguy cơ phát triển bệnh trào ngược axit
- Tăng 46% nguy cơ bị viêm tụy cấp
- 54% khả năng phát triển hội chứng ruột kích thích
- 47% có nhiều khả năng bị viêm niêm mạc dạ dày
- 36% có nhiều khả năng bị đau bụng mà không có nguyên nhân rõ ràng
- 54% có nhiều khả năng gặp các triệu chứng tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, nôn và đau bụng…
Cho đến nay, các bệnh nhiễm trùng do SARS-CoV-2 đã góp phần gây ra hơn 6 triệu trường hợp rối loạn tiêu hóa mới ở Hoa Kỳ và 42 triệu trường hợp mới trên toàn thế giới.
TS. Al-Aly cho biết, những phát hiện này hỗ trợ cho các nghiên cứu khác về ảnh hưởng sức khỏe của COVID-19 kéo dài. Virus có thể ảnh hưởng, ngay cả trong số những người được coi là khỏe mạnh hoặc những người bị nhiễm trùng nhẹ. COVID-19 có thể tấn công bất kỳ hệ thống cơ quan nào trong cơ thể, đôi khi gây ra hậu quả nghiêm trọng lâu dài, bao gồm cả tử vong.
2. Một nửa số người mắc COVID-19 có triệu chứng tiêu hóa
Theo một bài đánh giá trên tờ Current Opinion in Gastroenterology vào tháng 11/2022, ước tính rằng, các triệu chứng tiêu hóa xuất hiện ở khoảng một nửa người bị nhiễm COVID-19 cấp tính (hiện tại). Các triệu chứng tiêu hóa vẫn tồn tại ở khoảng 10 -25% những người này, sáu tháng sau lần nhiễm trùng đầu tiên và 11% số người đánh giá các vấn đề về tiêu hóa liên quan đến COVID-19 là ‘triệu chứng khó chịu nhất’.
Hệ thống tiêu hóa bao gồm miệng, cổ họng, thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già, trực tràng và hậu môn. Nó cũng bao gồm gan và tuyến tụy, nơi sản xuất các enzym để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn và chất lỏng. Các tình trạng tiêu hóa bao gồm từ các vấn đề nhẹ về dạ dày đến các tình trạng đe dọa tính mạng như suy gan và viêm tụy cấp.
Viêm tụy cấp là tình trạng có thể bắt đầu đột ngột và kéo dài trong nhiều ngày, gây buồn nôn, nôn, sốt và suy hô hấp…
3. Điều trị các bệnh tiêu hóa phát triển sau COVID-19
TS. Al-Aly cho biết, những phát hiện này cho thấy các vấn đề về đường tiêu hóa đang ảnh hưởng đến một số lượng lớn những người đã mắc COVID-19. Điều quan trọng là phải đưa sức khỏe đường tiêu hóa như một phần không thể thiếu trong quá trình chăm sóc sau COVID-19 cấp tính.
Hiện tại, việc điều trị những vấn đề này dựa trên triệu chứng và không khác biệt đáng kể dựa trên việc các triệu chứng phát sinh trước hay sau COVID-19.
BS. Nguyễn Bích Ngọc