• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động truyền thông phòng, chống dịch bệnh năm 2025

Ngành y tế nhận định, trong năm 2025, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta là rất lớn. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, nhằm khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, tránh để lây lan trong cộng đồng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế trong năm 2024, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, cúm A(H5N1), đậu mùa khỉ… tiếp tục có diễn biến phức tạp. Cả nước ghi nhận hơn 141.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 28 ca tử vong; ghi nhận hơn 76.000 ca mắc tay chân miệng; 287.548 ca mắc cúm mùa (có 8 ca tử vong)... Đáng chú ý, số ca mắc sốt phát ban nghi sởi là 38.364 (tăng hơn 94 lần so với năm 2023), trong đó có 6.725 ca sởi dương tính (tăng hơn 130 lần so với năm 2023) và 13 ca tử vong...

Một số bệnh truyền nhiễm có số mắc cao tại một số địa phương như sởi, ho gà, bệnh dại, sốt xuất huyết. Nguyên nhân được xác định, trước hết đối với bệnh sởi và một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin ở nước ta, là do tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa lây lan, bùng phát dịch; gián đoạn cung ứng vắc xin trên toàn cầu sau đại dịch Covid-19; thủ tục mua sắm, đầu thầu, đặt hàng vắc xin kéo dài; xuất hiện tình trạng một bộ phận người dân không đưa trẻ đi tiêm chủng. Mặt khác, hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng chưa ổn định; cập nhật số liệu của các bệnh viện chưa kịp thời, đầy đủ; hoạt động giám sát, nhận định, dự báo dịch bệnh, năng lực xét nghiệm tại địa phương còn hạn chế; xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế... Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở nơi mình sinh sống.

Năm 2025, tình hình dịch bệnh trên thế giới như đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh (sởi, ho gà) có khả năng gia tăng số mắc; nguy cơ xuất hiện các bệnh nguy hiểm, mới nổi, chưa rõ nguyên nhân luôn hiện hữu. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết được xem là một thách thức với các yếu tố do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa; Bệnh tay - chân - miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; tình trạng chủ quan, lơ là trong viêc thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, nhất là với nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non; Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vắc xin tiếp tục có nguy cơ gia tăng số ca mắc khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết; Bệnh dại vẫn ghi nhận tử vong ở mức cao do hạn chế trong việc quản lý đàn chó, mèo; tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp…

Nhằm chủ động ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong năm 2025, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 1092/KH-SYT  về công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Kế hoạch đặt trọng tâm vào việc tăng cường truyền thông theo mùa, theo quý và phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.

Các nội dung truyền thông được ưu tiên bao gồm: Khuyến cáo thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống; nhận biết dấu hiệu bệnh sớm, cách ly và điều trị kịp thời; cung cấp thông tin đầy đủ về vắc xin, lịch tiêm, nhóm đối tượng tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, qua đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong phòng bệnh chủ động.

Trong thời gian tới, các nội dung trọng điểm như “Tiêm chủng vắc xin - Biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh” và “Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác-Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua nhiều định dạng truyền thông số như infographic, audio clip, video clip… nhằm thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.

Ngoài ra, kế hoạch đề ra mục tiêu phát huy tối đa các kênh truyền thông như báo, đài truyền hình, trang web, các kênh mạng xã hội, ứng dụng nền tảng số như facebook, youtube, zalo,… cùng với các hoạt động trực tiếp tại cộng đồng để lan tỏa thông tin chính xác, kịp thời, đẩy lùi tin giả, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Để thực hiện hiệu quả, ngành y tế Hưng Yên sẽ tăng cường phối hợp liên ngành giữa các cấp, đặc biệt là giữa hệ thống y tế và các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, áp dụng cơ chế chia sẻ thông tin dịch bệnh theo thời gian thực giúp địa phương và cộng đồng phản ứng nhanh chóng, chính xác trong quá trình dịch bệnh diễn biến.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên định hướng, hỗ trợ chuyên môn cho mạng lưới truyền thông tuyến cơ sở, bám sát tình hình thực tế và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đồng thời là đầu mối để nắm bắt, xử lý, cung cấp, triển khai đồng bộ, hiệu quả các thông tin y tế trong suốt năm 2025. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo nền tảng vững chắc cho tương lai.


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?