Bộ Y tế thông tin trước đề xuất bỏ quy định chế biến thực phẩm phải tăng cường i-ốt
Trước câu hỏi của ĐBQH liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 09/2016, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã thông tin đầy đủ và nêu lên tầm quan trọng của việc bảo đảm đủ vi chất dinh dưỡng, trong đó có i-ốt đối với sức khỏe người dân.
Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng liên quan đến i-ốt chưa đạt ngưỡng cho phép
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Theo ông Đỗ Đức Hiển, thực hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, Chính phủ đã có Nghị quyết 19-2018/NQ-CP trong đó giao Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP theo hướng: bãi bỏ quy định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt" tại điểm a Khoản 1 Điều 6; bãi bỏ quy định "Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" tại điểm b Khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.
Đại biểu Đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo phản ánh của các hiệp hội hành nghề, đến nay sau hơn 5 năm các quy định nêu trên chưa được sửa đổi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người dân được triển khai từ 2016 đến nay. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định này, Bộ đã có báo cáo đánh giá 5 năm triển khai thực hiện về vấn đề bổ sung vi chất, trong đó có i-ốt trong thực phẩm.
"Bộ Y tế đã phối hợp cùng các bộ, ban ngành để thực hiện đánh giá. Các doanh nghiệp cũng đã đề xuất việc bổ sung i-ốt chỉ mang tính tự nguyện, không bắt buộc. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đên sức khỏe người dân và cần phải có thời gian đánh giá", Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.
Tư lệnh ngành Y tế cũng cho hay, Bộ cũng đã có những báo cáo, nghiên cứu khoa học liên quan đến việc phòng, chống rối loạn i-ốt trong cuộc sống. Hiện nay, tỷ lệ thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng liên quan đến i-ốt vẫn chưa đạt ngưỡng cho phép để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Ngày 9/2/2023, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc sửa đổi hay không sửa đổi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trên cơ sở báo cáo đánh giá và thực trạng của i-ốt đối với sức khỏe người dân, VPCP đã có thông báo đề nghị Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để tạo sự đồng thuận trong việc bảo đảm sức khỏe của người dân và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP.
"Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá những cơ sở khoa học để triển khai thực hiện Nghị định 09. Trong thời gian tới, khi đạt được những tiêu chuẩn, mục tiêu đề ra sẽ có những điều chỉnh, sửa đổi để đáp ứng được yêu cầu của người dân cũng như của doanh nghiệp", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Ngăn ngừa tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng
Ngày 1/12/2021, WHO và UNICEF kêu gọi Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý tăng cường thực hiện Nghị định 09/2016/ND-CP về việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn và sử dung muối i-ốt và bột mì đã bố sung vi chất trong chế biến thực phẩm. Nghị định phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, cũng như cho thấy cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe nhân dân.
WHO và UNICEF cho hay, thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ. Thiếu sắt làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn. Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em.
WHO và UNICEF khuyến cáo Chính Phủ Việt Nam thực hiện nghiêm Nghị định 09, bao gồm đảm bảo sử dụng muối i-ốt và bột mỳ đã được bổ sung sắt, kẽm trong chế biến thực phẩm, còn doanh nghiệp thì cần được tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo sự tuân thủ của họ. Các doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm cần được hỗ trợ với các quy định rõ ràng hướng dẫn thực hiện Nghị định và sử dụng nguyên liệu đã bổ sung vi chất để chế biến thực phẩm. Ở Việt Nam, phần lớn nguồn muối và bột mì được tiêu thụ là từ thực phẩm chế biến và bữa ăn ngoài gia đình.
Lê Bảo