• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Y tế đề nghị bỏ đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá mới

Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định tại Điều 12 Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về việc: "Giao Chính phủ quy định việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cụ thể đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới trong trường hợp được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam".

Như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, hôm nay - 22/11, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến tại Tổ 13, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế nhất trí với mục đích, quan điểm và sự cần thiết ban hành dự Luật này, đặc biệt đối với vấn đề định hướng để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, quy định này nhằm thể chế hóa và thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia 2021-2030 và Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng thuế là một trong những biện pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại tới sức khỏe hoặc không lành mạnh, từ đó giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, bệnh tim mạch, hô hấp và đái tháo đường ở Việt Nam, cũng như góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, giảm chi phí cho hệ thống y tế và nền kinh tế do bệnh không lây nhiễm gây ra trong tương lai.

Liên quan đến dự án luật này, ngoài các nội dung nêu trên, đối với quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá mới, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định tại Điều 12 Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về việc: "Giao Chính phủ quy định việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cụ thể đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới trong trường hợp được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam".

Bộ Y tế đề nghị bỏ đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá mới - Ảnh 2.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ ngày càng tăng.

Hiện nay, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chưa quy định về các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Do đó, việc đưa các sản phẩm này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi chưa có cơ sở pháp lý là không phù hợp.

Bên cạnh đó tại Khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt còn quy định: "3. Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều này để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, giao Chính phủ xem xét, quy định".

Do vậy, kể cả trong trường hợp mang tính dự phòng thì cũng là quy định thừa, gây ra hiểu lầm về định hướng cho phép sản xuất, kinh doanh, lưu hành các loại sản phẩm này.

Bộ Y tế cho biết, Bộ đã có báo cáo Chính phủ đề xuất giao Bộ Y tế xây dựng Nghị quyết của Quốc hội quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong việc ngăn chặn tác hại của các sản phẩm này, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng.

Đây đang là vấn đề nóng, cử tri cả nước và nhân dân rất quan tâm, bởi các sản phẩm thuốc lá mới độc hại, gây bệnh, gây nghiện nhanh, là cửa ngõ để ma túy núp bóng vào Việt Nam, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

Tại phần biểu thuế thuốc lá, Bộ Y tế cũng đề nghị bỏ đơn vị tính là minilit (ml) đối với thuốc lá, vì theo khái niệm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá không có thành phần là chất lỏng. Chất lỏng chỉ có trong thuốc lá điện tử nên đề nghị không bổ sung đơn vị tính minilit. Quy định này sẽ dẫn đến cách hiểu là chủ trương của cơ quan quản lý hướng tới cho phép kinh doanh thuốc lá điện tử.

Liên quan đến thuốc lá mới, ThS.BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này đang tăng nhanh, đặc biệt ở giới trẻ từ 15 – 24 tuổi.

Theo điều tra năm 2020, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử là 7,3%, đặc biệt ở lứa tuổi 13 – 15 tuổi. Đây là tình trạng đáng báo động và nếu không ngăn chặn kịp thời, có nguy cơ dẫn đến tình trạng nghiện nicotine mới trong giới trẻ.

Hiện thuốc lá điện tử chưa được cấp phép kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, vì chưa cấm cho nên vẫn được bán tràn lan và chỉ cần khách có nhu cầu là người bán sẽ giao hàng đến tận nơi và thậm chí là tận trong trường học.

"Khảo sát của Cục quản lý Khám, chữa bệnh năm 2023 cho thấy chỉ trong khoảng 700 cơ sở khám chữa bệnh đã ghi nhận 1.224 ca ngộ độc cấp tính do sử dụng thuốc lá mới"- BS Phan Thị Hải dẫn chứng.

"Chúng ta trầy trật gần 10 năm mới giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nhóm tuổi 13-17 từ 5,36% xuống 2,78%. Mức độ gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử cũng rất nhanh. Điều tra ở nhiều nước và ở Việt Nam cho thấy sau 2 năm, tỷ lệ này tăng gấp đôi. Đây là điều đáng lo ngại nhất của chúng tôi"- TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trăn trở trong một diễn đàn về nội dung này.

Thái Bình


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?