Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Đào tạo bác sĩ nội trú góp phần tạo nền móng vững chắc về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo bác sĩ nội trú, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, chương trình đào tạo bác sĩ nội trú được coi là đào tạo tinh hoa của ngành y tế; góp phần quan trọng, tạo ra nền móng vững chắc cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành y tế...
Như Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin nhân kỷ niệm ngày 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, hôm nay 26/2, Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo bác sĩ nội trú (1974-2024).
Đào tạo bác sĩ nội trú trong y khoa phải được coi là đào tạo đặc biệt trong đặc biệt
Tại lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo bác sĩ nội trú, GS.TS Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng Uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết đào tạo nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, có chất lượng cao luôn là sứ mệnh cao cả của các trường đại học y cùng với các bệnh viện thực hành.
Từ khi việc đào tạo bác sĩ nội trú ra đời ở nước Pháp vào năm 1802 đến nay, mô hình bác sĩ nội trú đã có nhiều thay đổi tùy theo hoàn cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ. Việc đào tạo các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học y theo mô hình bác sĩ nội trú luôn được coi là có tính ưu việt cao trên toàn cầu.
Theo GS.TS Tạ Thành Văn: Có thể nói bác sĩ nội trú là mô hình đào tạo khắt khe nhất, bài bản và chất lượng nhất.
Linh hồn của mô hình này là gắn kết chặt chẽ giữa quy trình tuyển chọn có tính cạnh tranh; Quá trình cập nhật kiến thức và phát triển chuyên môn tay nghề dưới sự giám sát khắt khe trong môi trường thực hành của bệnh viện và nhà trường; Hỗ trợ quá trình đào tạo bác sĩ nội trú có tính hệ thống để họ có điều kiện học tập và cống hiến.
"Tất cả những thành tố trên đã tạo nên sự thành công của mô hình này trong suốt quá trình của lịch sử đào tạo bác sĩ nội trú trên thế giới, trong đó có Việt Nam"- GS.TS Tạ Thành Văn nói.
Trong 50 năm qua, Trường đại học Y Hà Nội đã đào tạo được 5.159 bác sĩ nội trú, trong đó, 40 năm đầu đào tạo được 1.812 bác sĩ nội trú, riêng 9 năm gần đây (2015-2023) là 3.347 bác sĩ nội trú. Số bác sĩ nội trú của trường đào tạo chiếm 41% số bác sĩ nội trú trong toàn quốc. Trước 2015, tỷ lệ sinh viên Y tốt nghiệp học bác sĩ nội trú chỉ dưới 10%, từ 2016 đến nay tăng dần từ trên 20% đến hơn 75%.
Đặc biệt, trước 2015, 90% bác sĩ nội trú ở lại các trường hoặc các bệnh viện trung ương, nhưng sau 2015, tỷ lệ bác sĩ nội trú về bệnh viện tỉnh/ thành phố , bệnh viện ngoài công lập tăng lên, khoảng 35%.Thực tế, trong 50 năm đào tạo bác sĩ nội trú của Trường đại học Y Hà Nội, đã có những kết quả khá ấn tượng: Nhiều cựu bác sĩ nội trú đã trở thành lãnh đạo Bộ Y tế: 2 Bộ trưởng, 1 Thứ trưởng, 1 Chủ tịch Công đoàn ngành, 1 Cục trưởng, 1 Vụ trưởng.
Ngoài ra, còn 16 cựu bác sĩ nội trú là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; 84 cựu bác sĩ nội trú là Giám đốc, Phó Giám đốc bệnh viện trung ương , Viện Nghiên cứu.
GS Tạ Thành Văn nhấn mạnh, Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt..." và việc đào tạo bác sĩ nội trú trong y khoa phải được coi là đào tạo đặc biệt trong đặc biệt.
Đào tạo nhân lực ngành y cần đủ về số lượng và tốt về chất lượng
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo bác sĩ nội trú, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, chương trình đào tạo bác sĩ nội trú được coi là đào tạo tinh hoa của ngành y tế. Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú, học viên có thể hành nghề ngay lập tức và không phải trải qua bất kỳ khóa học nào khác.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Mô hình đào tạo bác sĩ nội trú được Bộ Y tế khởi xướng và với vai trò tiên phong của Trường Đại học Y Hà Nội đã góp phần quan trọng, tạo ra nền móng vững chắc cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành y tế Việt Nam trong 50 năm qua.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Có thể nói bác sĩ nội trú là mô hình đào tạo khắt khe nhất, bài bản và chất lượng nhất. Việc đào tạo thế hệ cán bộ y tế có năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, thích ứng với sự thay đổi của mô hình bệnh tật, sự phát triển khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế có vai trò then chốt.
Vì vậy, việc đào tạo cần đổi mới không ngừng theo xu thế của thế giới là đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, đảm bảo nguồn nhân lực y dược đủ cả về số lượng và tốt về mặt chất lượng. Bộ Y tế đang đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế.
Bộ trưởng đề nghị nhà trường xây dựng và trình đề án phát triển trên cơ sở đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Trong quá trình xây dựng định hướng phát triển, Trường đại học Y Hà Nội cần phối hợp với các trường y dược của cả nước tổng kết công tác đào tạo bác sĩ nội trú trong thời gian qua.
Đồng thời, phối hợp các trường y dược, các đơn vị của Bộ rà soát lại các cơ chế, chính sách liên quan việc triển khai thực hiện đối với loại hình đào tạo bác sĩ nội trú.Bộ Y tế cũng đang giao cho các đơn vị rà soát, đánh giá để xem với mô hình đặc thù của đào tạo bác sĩ nội trú có thể có hình thức ưu tiên đặc thù nào.
"Trường có đề xuất mở rộng loại hình đào tạo bác sĩ nội trú để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các cơ sở y tế trên cả nước. Mặc khác có những quan điểm cho rằng đây là loại hình đào tạo mang tính chất tinh hoa của hệ thống nên xác định mở rộng nhưng mở rộng đến đâu, đến mức độ nào. Đây là định hướng quan trọng, chúng ta phải có đánh giá, có cơ sở lý luận, mục tiêu rõ ràng để tham mưu cho các cấp"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, Bộ Y tế đang giao cho các đơn vị rà soát, đánh giá để xem với mô hình đặc thù của đào tạo bác sĩ nội trú có thể có hình thức ưu tiên đặc thù nào. Nếu xác định đào tạo tinh hoa thì mới có đặc thù.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã trao các phần thưởng của Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo bác sĩ nội trú.
Cũng trong buổi Lễ này, Trường Đại học Y Hà Nội chính thức công bố thành lập và kêu gọi đóng góp vào Quỹ hỗ trợ đào tạo Bác sĩ Nội trú của Nhà trường. Mục đích của Quỹ là giúp các sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp có hoàn cảnh khó khăn được học tậpliên tục, yên tâm học tập và cống hiến để trở thành các bác sĩ giỏi, đem kiến thức, kỹ năng và thái độ xuất sắc về mọi miền của tổ quốc phục vụ nhân dân.