Bộ trưởng Bộ Y tế: Người bệnh tim mạch Việt Nam không còn cần ra nước ngoài điều trị
Nhiều bác sĩ tim mạch của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao nhờ làm chủ các kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tham gia hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho một số nước trong khu vực và trên thế giới...
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thông tin này khi phát biểu tại lễ khai Đại hội Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 năm 2023 diễn ra hôm nay (3/11) tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng, ngành tim mạch trên thế giới là một trong những ngành phát triển năng động nhất trong y học. Các thầy thuốc tim mạch khu vực Đông Nam Á cũng rất năng động, có sự gắn kết chặt chẽ và có trình độ tay nghề tiệm cận với các nước phát triển.
Chuyên ngành tim mạch Việt Nam cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm qua. Công tác khám và chữa các bệnh lý tim mạch có nhiều kết quả đáng tự hào.
Nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả. Nhiều phương thức tiên tiến đã được áp dụng không chỉ ở tuyến bệnh viện trung ương mà còn được phổ biến đến các bệnh viện tuyến dưới. Các kỹ thuật cao luôn được triển khai, cập nhật rất nhanh ở Việt Nam như can thiệp bệnh lý động mạch vành phức tạp.
Người bệnh tim mạch Việt Nam đã được hưởng lợi ích của các tiến bộ khoa học và không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh. Bộ Y tế đánh giá cao sự phát triển của chuyên ngành tim mạch và coi đây là một trong những điểm sáng của y tế nước nhà.
Tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm
Như Báo Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin, Đại hội Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 diễn ra tại Hà Nội từ 2-5/11. Đại hội là diễn đàn khoa học uy tín của các thầy thuốc tim mạch trong khu vực và trên thế giới diễn ra hàng năm, được luân phiên qua các nước khu vực Đông Nam Á và đây là lần thứ Hai Việt Nam được vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội.
Đại hội lần này có sự tham dự của hơn 2000 đại biểu đến từ các nước trong khu vực và trong nước cùng với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch trên toàn thế giới.
"Tôi đánh giá đây thực sự là một sự kiện khoa học rất quan trọng không chỉ riêng cho chuyên ngành tim mạch mà còn có ý nghĩa cho sự phát triển của cộng đồng y khoa trong khu vực, trên thế giới, đặc biệt cho Việt Nam"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tại Việt Nam mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi trong những thập kỷ qua, trong đó "các bệnh không lây nhiễm" đang tồn tại và tiếp tục phát triển mạnh, bao gồm các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh ung thư, tâm thần… và đặc biệt nhất là các bệnh lý tim mạch.
Các bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 75% tổng số các loại tử vong trong đó bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với 19,5 triệu người chết mỗi năm. Bên cạnh đó, có một thực tế đáng lo ngại nữa là, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - thấp (chiếm tới 75%) giống như mô hình ở hầu hết các nước ASEAN.
Trước đây tử vong chủ yếu liên quan đến các bệnh nhiễm trùng, chấn thương, tử vong sơ sinh thì nay chủ yếu là do các bệnh không lây nhiễm (chiếm tới 81%) mà hàng đầu là bệnh tim mạch.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam năm 2020, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5 % tổng số ca tử vong.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, nhận thấy vấn đề từ rất sớm, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó chú trọng đối với phòng chống các bệnh không lây nhiễm…
Thống nhất mô hình quản lý bệnh tim mạch từ tuyến xã
Theo Bộ trưởg Đào Hồng Lan, thời gian tới, các yếu tố nguy cơ gây bệnh liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, thói quen lười vận động, thừa cân, béo phì, chế độ ăn không khỏe mạnh… vẫn có xu hướng gia tăng và là những thách thức lớn cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; số người bị bệnh tim mạch và tử vong do bệnh tim mạch vẫn gia tăng.
Bày tỏ tin tưởng gánh nặng bệnh lý không lây nhiễm trong đó nổi bật là các bệnh tim mạch hoàn toàn có thể kiềm chế, đẩy lùi bởi các tiến bộ hiện nay cũng cho phép chữa trị được đa số các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: để làm được điều này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả hệ thống chính trị, cộng đồng, các nhà chuyên môn và đặc biệt là từng người dân.
Thay mặt ngành Y tế Việt Nam, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ mong muốn các thầy thuốc tim mạch khu vực Đông Nam Á luôn gắn kết, nỗ lực cập nhật những kiến thức mới nhất, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong thực hành lâm sàng, đưa chuyên ngành tim mạch ASEAN sánh ngang các nước tiên tiến trên thế giới và giành thắng lợi trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh tim mạch trong khu vực.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hội Tim mạch học Việt Nam cùng các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó nổi bật là bệnh lý tim mạch.
Cùng đó, thống nhất mô hình quản lý bệnh tim mạch từ tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương quy hoạch một mạng lưới chuyên ngành tim mạch phát triển đồng bộ. Trong đó, đầu mối là Viện Tim mạch Quốc gia và các trung tâm tim mạch lớn sao cho phù hợp với tình hình cụ thể đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho người dân được tốt nhất.
Đồng thời, cần phải kiểm soát được tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh lý tim mạch. "Điều này là rất quan trọng vì giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc bệnh lý tim mạch sớm ở người trẻ tuổi" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tuyến, mở các khoá đào tạo các cấp độ, nâng cao năng lực của các tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã… Các trung tâm tim mạch lớn cần liên tục cập nhật, phát triển, đủ năng lực hội nhập và có tầm cỡ quốc tế.
Người đứng đầu ngành y tế cũng yêu cầu cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ về phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch.
Thái Bình/Ảnh: Trần Minh