Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm, Bộ Y tế đề nghị xử lý triệt để, hạn chế lây lan diện rộng
Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.
Đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng, các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh
Ngày 27/11, TS.BS Hoàng Minh Đức – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định về việc tăng cường phòng chống bệnh cúm.
Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.
Để tăng cường công tác phòng chống bệnh cúm, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế Bình Định khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tốt các nội dung, cụ thể:
Báo cáo tổng thể tình hình bệnh cúm trên địa bàn tỉnh và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai trong năm 2023-2024, phân tích tỷ lệ các trường hợp nặng, tử vong do bệnh cúm; báo cáo công tác giám sát cúm, đặc biệt làm rõ kết quả giám sát viêm phổi nặng do virus để cho thấy thực trạng tình hình nhiễm và tử vong do bệnh cúm tại tỉnh Bình Định, báo cáo những vấn đề bất thường về bệnh cúm tại tỉnh (nếu có) gửi Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) trước ngày 29/11/2024.
Đồng thời tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng và các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.
Không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus khi bị cúm
Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, ...), người già và trẻ em.
Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát ổ dịch cúm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó Sở Y tế Bình Định cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh cúm, hướng dẫn cộng đồng chủ động thực hiện tốt việc phòng bệnh, nhấn mạnh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi, không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế; tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cúm đối các chủng cúm đã có vaccine.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống bệnh cúm, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc người bệnh và các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.
Thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho các hoạt động phòng, chống dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh cúm, các địa phương có ổ dịch.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế Bình Định, thực hiện nghiêm việc báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
Liên quan đến chủng cúm A/H1pdm, đại diện Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết đây là chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là pandemic (pdm).
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 (còn gọi là chủng cúm lợn) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa. Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;
- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi);
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng;
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết;
- Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh;
- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Cục Y tế dự phòng lưu ý: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời