Bệnh nhân HIV: 'HIV không phải là dấu chấm hết, sự đồng cảm giúp tôi vững bước'
"Tôi - một bệnh nhân đang sống chung với HIV, hai từ "khó khăn" không đủ để diễn tả về hành trình của bản thân. Hy vọng, sự đồng cảm và hỗ trợ là những điều giúp tôi vững bước hơn trong cuộc sống".
Những lời chia sẻ chân tình của một bệnh nhân HIV đã khiến nhiều người không khỏi bồi hồi xúc động tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12, diễn ra vào ngày 30/11, do Sở Y tế TPHCM tổ chức.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, nam bệnh nhân HIV chia sẻ: "Tôi - một bệnh nhân đang sống chung với HIV, muốn chia sẻ đôi điều từ trái tim mình. Để nói về hành trình của bản thân, có lẽ hai từ "khó khăn" không đủ để diễn tả. Nhưng cũng chính trên hành trình đó, tôi nhận ra rằng: hy vọng, sự đồng cảm và hỗ trợ là những điều giúp tôi vững bước hơn trong cuộc sống.
Năm nay, với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", tôi tin rằng chúng ta đang cùng nhau gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Không ai bị bỏ lại phía sau, kể cả những người sống chung với HIV.
Những năm qua, Trung tâm Y tế quận 8 đã trở thành ngôi nhà thứ hai đối với tôi và rất nhiều bệnh nhân khác. Các cán bộ y tế ở đây không chỉ mang đến sự hỗ trợ y tế mà còn trao tặng tình yêu thương và sự đồng hành. Chúng tôi được được tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe định kỳ. Trung tâm cũng tổ chức các chương trình giáo dục sức khỏe, giúp chúng tôi cảm thấy được trân trọng và tự tin hơn trong cuộc sống. Tôi muốn đại diện cho những bệnh nhân đang sống chung với HIV gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cán bộ y tế, các tổ chức xã hội và cộng đồng đã luôn đồng hành cùng chúng tôi. Nhờ có sự hỗ trợ đó, tôi và nhiều người khác đã có thêm động lực để sống tốt, sống khỏe và đóng góp cho xã hội".
"Tôi cũng muốn nhắn nhủ đến tất cả những ai đang cùng hoàn cảnh với tôi rằng: HIV không phải là dấu chấm hết. Chúng ta có quyền hy vọng, quyền mơ ước và quyền sống như bao người khác. Chúng ta hãy cùng chung tay vì một tương lai không còn kỳ thị, không còn phân biệt và đặc biệt là không còn HIV/AIDS", nam bệnh nhân HIV nhắn nhủ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, "cuộc chiến" phòng, chống HIV/AIDS vẫn luôn là "cuộc chiến" khó khăn và đầy thử thách. Để đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và hướng đến kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì tất cả mọi người, từ các cấp chính quyền đến mỗi người dân phải cùng hành động. Chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể; là sự tiếp nối cam kết đã được thể hiện rõ tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2021.
Tại Hội nghị cấp cao này, cộng đồng quốc tế, bao gồm Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố với mục tiêu: "Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng, việc tiếp cận các dịch vụ y tế phải đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận, có thể chấp nhận được, có chi phí hợp lý, và đảm bảo chất lượng.
Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS cùng các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế. Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV, các đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị, phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nguy cơ cao tiếp cận, sử dụng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV.
Tính đến tháng 9/2024, TPHCM có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 48.741 người đang điều trị thuốc kháng virus HIV. 100% quận, huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn đều báo cáo có người nhiễm HIV. Đến nay, HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm và tập trung trên nhóm đối tượng nguy cơ cao. Theo kết quả Giám sát trọng điểm HIV định kỳ hằng năm, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trên nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam là 12,3%, nhóm phụ nữ mại dâm là 3% và nhóm nghiện chích ma túy còn ở mức trên 11%.
Xuân Dự