• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh án điện tử, vì sao chậm?

Cả nước hiện có 94 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử. Lợi ích của bệnh án điện tử rất rõ ràng, lợi bệnh viện và giúp ích cho người bệnh. Vì sao triển khai chậm?

Lợi ích của bệnh án điện tử

Theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 về Quy định hồ sơ bệnh án điện tử, đến hết năm 2023 phải có 135 BV hạng 1 triển khai bệnh án điện tử thành công và khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) khác triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Thế nhưng, thống kê của Hội Tin học Y tế Việt Nam hiện nay cho thấy, mới có 94 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, trong đó có 32 bệnh viện hạng 1; 44 bệnh viện hạng 2, 3; 4 phòng khám và 14 bệnh viện tư nhân.

Bệnh án điện tử, vì sao chậm?- Ảnh 1.

PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam: Mong muốn lãnh đạo Bộ Y tế, các Cục, Vụ tiếp tục quan tâm hơn nữa thúc đẩy bệnh án điện tử.

Triển khai bệnh án điện tử là xu hướng phát triển tất yếu của ngành y tế, rất có lợi cho người dân, có ích cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề. Việc triển khai bệnh án điện tử được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành Y tế.

"Với việc ra đời của Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử, cho thấy Bộ Y tế đã tiên phong trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ.", PGS.TS Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam khẳng định.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai bệnh án điện tử trên quy mô cả nước đang diễn ra chậm, trong khi lợi ích của việc triển khai bệnh án điện tử rất rõ ràng.

PGS.TS Trần Quý Tường phân tích, triển khai thành công bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả loại giấy tờ khi đi KCB. Bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh.

Đưa bệnh án điện tử vào hoạt động giảm thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở KCB. 

Bệnh án điện tử, vì sao chậm?- Ảnh 2.

Nhân viên điều dưỡng BVĐK KV Long Khánh, Đồng Nai thông qua phần mềm bệnh án điện tử.

Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy. Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Khi thông tin về KCB của người bệnh được minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

TS Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc BVĐK TP Vinh, Nghệ An chia sẻ kình nghiệm về triển khai bệnh án điện tử cho biết, từ năm 2019 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử. Nhờ áp dụng bệnh án điện tử mà bệnh viện thu hút được đông bệnh nhân, tạo niềm tin nơi người bệnh. "Trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, BV tiếp tục triển khai ứng dụng App "BVTP VINH" trên điện thoại thông minh với nhiều tiện ích dành cho người bệnh. Bệnh nhân chỉ cần tải áp này về là đăng ký khám, chữa bệnh. Ứng dụng này giúp bệnh nhân dễ dàng theo dõi kết quả thăm khám, để chủ động thực hiện các bước tiếp theo; không phải chờ đợi như trước đây; đồng thời, tiện lợi khi theo dõi được lịch sử khám, chữa bệnh trên APP và thực hiện thanh toán trực tuyến", TS Trường nói.

Bệnh án điện tử, vì sao chậm?- Ảnh 3.

BVĐK tỉnh Phú Thọ đã ứng dụng PACS cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh

Tương tự như BVĐK TP Vinh, BVĐK tỉnh Phú Thọ là bệnh viện hạng I, đang phấn đấu trở thành bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2025 đã sử dụng bệnh án điện tử từ tháng 9/2018. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tại BVĐK tỉnh Phú Thọ đã có những bước phát triển đột phá. Bệnh viện triển khai ứng dụng di động Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ dành cho người bệnh với các tính năng: Đặt khám trực tuyến, đặt lịch khám tại bệnh viện, đặt lịch khám tại nhà; tương tác trực tiếp với bác sĩ; xem hồ sơ sức khỏe; Xem các kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh; xem tin tức mới cập nhật của bệnh viện.

Lợi ích của bệnh án điện tử là rõ ràng, vì sao triển khai chậm?

PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam cho rằng, khi triển khai bệnh án điện tử có một số khó khăn như: Nhiều giám đốc bệnh viện chưa quyết liệt, còn trông chờ sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên. Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn, nên việc thay đổi này cũng là một trở ngại ở một số nhân viên y tế nhất là những cán bộ lớn tuổi.

Bệnh án điện tử, vì sao chậm?- Ảnh 4.

BVĐK TP Vinh, Nghệ An triển khai App trên điện thoại giúp người bệnh dễ dàng xếp lịch đến khám.

Chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng. Do đó, kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Quý Tường, trong cùng thời gian, cùng chính sách tại sao nhiều bệnh viện chưa triển khai bệnh án điện tử trong khi các đơn vị như Sở Y tế Phú Thọ, Quảng Ninh, BVĐK tỉnh Phú Thọ, BVĐK TP Vinh làm rất tốt vấn đề này... Bài học ở đây là gì?

Theo PGS.TS Trần Quý Tường và đại diện một số bệnh viện đều cho rằng vai trò của người đứng đầu rất quan trọng trong triển khai bệnh án điện tử, người đứng đầu có quyết tâm sẽ thúc đẩy chuyển đổi số của bệnh viện, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm. Về khó khăn kinh phí, cần năng động kêu gọi tài trợ của các tổ chức, xin hỗ trợ từ tỉnh, một kinh nghiệm quý báu là Sở Y tế Phú Thọ đề nghị các bệnh viện tiết kiệm chi, làm từng khâu, đến đâu hiện đại đó.

"Để thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, Hội Tin học Y tế Việt Nam mong muốn lãnh đạo Bộ Y tế, các Cục, Vụ đã quan tâm tiếp tục quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh chuyển đổi số trong bệnh viện trong đó có bệnh án điện tử", PGS.TS Trần Qúy Tường nói.

Hiện nay đã có đủ cơ sở pháp lý triển khai bệnh án điện tử. Triển khai bệnh án điện tử có tính khả thi ở nước ta và thay thế khoảng 90% bệnh án giấy còn 10% là một số giấy cam kết, tài liệu đặc biệt chưa thay thế.

Hà Lê


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?