Áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng COVID-19 đối với vận tải đi, đến vùng dịch
Tất cả người trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành phố và ngược lại bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.
Bộ GTVT vừa ban hành công điện khẩn gửi các đơn vị liên quan việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch COVID-19, vừa thực hiện ngăn chặn lây lan dịch, vừa tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội.
Ảnh minh họa.
Đặc biệt, tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành phố khác hoặc từ tỉnh, thành phố khác đến TP. Hồ Chí Minh bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (theo quy định hiện hành của Bộ Y tế), trừ trường hợp phương tiện vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết nhưng phải được theo dõi, kiểm soát y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Các phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, đưa đón cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… làm việc tại các cơ quan, khu công nghiệp đi lại hàng ngày giữa TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận và ngược lại (bao gồm cả người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện) được phép hoạt động trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Đồng thời phải được sự chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố lân cận. Hàng ngày thực hiện khai báo y tế bằng mã QR Code theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với việc quản lý người, phương tiện đi, đến TP. Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phân luồng giao thông, quy định thời gian cụ thể, rõ ràng cho phương tiện giao thông để không gây ra tình trạng ách tắc, bảo đảm duy trì ổn định vận tải hàng hóa và hành khách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Trường hợp TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong vùng phải tiến hành phong tỏa, giãn cách, cách ly trên diện rộng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải có kịch bản cụ thể xử lý vấn đề như phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân… để không làm xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân.
Bộ GTVT cũng yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị vận tải, bến xe, bến tàu, bến phà, nhà ga, cảng hàng không, sân bay, chủ phương tiện chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị mình quản lý.
Đỗ Vi