75% người bệnh ung thư phổi nước ta phát hiện ở giai đoạn muộn: Cần tăng cường tiếp cận y tế toàn diện về sức khỏe phổi
Nhiều bệnh liên quan đến phổi và ung thư phổi đã và đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, tàn tật tại Việt Nam, trong đó ung thư phổi với hơn 24.000 ca mắc mới mỗi năm, đứng thứ hai về số ca tử vong tại Việt Nam...
Tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở người trên 40 tuổi tại nước ta lên đến 4,2%, thuộc nhóm cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ hen phế quản là 4,1%, nhưng chỉ khoảng 29% người bệnh được điều trị dự phòng và chưa đến 40% được kiểm soát tốt;
Số ca mắc mới về ung thư phổi hiện đứng thứ ba về số ca mắc mới nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong tại Việt Nam. Khoảng 75% người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt khoảng 14,8%.
Những thông tin trên do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết tại hội nghị xin ý kiến cho kế hoạch "Chương trình Sức khỏe Phổi Việt Nam giai đoạn 2025-2027" do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hôm nay (26/3) với sự đồng hành của AstraZeneca Việt Nam.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Hội nghị là bước khởi đầu quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác và triển khai các giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe phổi của người dân Việt Nam. Tham dự hội nghị có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, các chuyên gia về lĩnh vực bệnh phổi; ông Atul Tandon, Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam.
Nhiều bệnh liên quan đến phổi và ung thư phổi đã và đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, tàn tật tại Việt Nam
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là các bệnh lý về phổi như bệnh COPD, hen phế quản và ung thư phổi, đã và đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật tại Việt Nam.
Làm rõ thêm thông tin, TS Trần Quốc Bảo, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho hay, bệnh COPD chiếm tỷ lệ 45% trong số các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ người đã từng được chẩn đoán mắc COPD hiện đang sử dụng thuốc điều trị chỉ đạt 25,6%, là tỷ lệ tương đối thấp.
Chia sẻ thêm về những rào cản trong quản lý bệnh COPD, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, bệnh nhân thiếu kiến thức về thuốc bệnh như thường tự ý sử dụng corticoid toàn thân để điều trị hoặc sử dụng thuốc đông y, thực phẩm chức năng; lo lắng quá mức về tác dụng của thuốc hoặc chỉ muốn sử dụng giãn phế quản tác dụng ngắn.
Đối với bệnh hen, có khoảng 83,5% bệnh nhân hen cũng thiếu kiến thức về bệnh, trong đó 30% nhầm lẫn giữa thuốc kiểm soát và giảm triệu chứng; 68% mô tả sai về kỹ thuật hít; 52% bệnh nhân tuyên bố hen có thể chữa khỏi.
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại hội nghị.
Với ung thư phổi, PGS.TS Đỗ Hùng Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho hay, mỗi năm tại Bệnh viện K lượt người bệnh khám liên quan bệnh lý u phổi là 12.000 lượt/năm; điều trị khoảng 3.200 bệnh nhân/năm.
Từ thực tiễn, PGS.TS Đỗ Hùng Kiên cho hay, tại Việt Nam, việc triển khai sàng lọc ung thư phổi hiện có nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, chuyên môn; nhận thức của người dân và nhân viên y tế chưa đầy đủ; bảo hiểm y tế chưa chi trả cho các phương pháp sàng lọc. Về thuốc điều trị, một số thuốc không sẵn có tại cơ sở y tế nên khó điều trị cá thể hóa.
Theo PGS.TS Đỗ Hùng Kiên, ở giai đoạn sớm, ung thư phổi không có triệu chứng hoặc nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh lý hô hấp khác, dễ bỏ sót. Khi có các triệu chứng chứng hô hấp, u xâm lấn thành ngực, hội chứng chứng chèn ép, triệu chứng di căn... thì bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn.
"Với hơn 70% bệnh nhân đến ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sau 5 năm rất thấp. Chúng ta cần phải tăng cường sàng lọc chẩn đoán ở giai đoạn sớm của bệnh.
Việt Nam hiện chưa có quy trình chuẩn trong sàng lọc ung thư phổi sử dụng chụp CT liều thấp trên nhóm người nguy cơ cao tại cộng đồng. Do đó, chúng ta cần có chương trình quốc gia về tầm soát ung thư phổi"- PGS.TS Đỗ Hùng Kiên nói.
Chương trình Sức khỏe Phổi Việt Nam dựa trên 3 nguyên tắc cốt lõi: Tiếp cận toàn diện – lấy người dân làm trung tâm – và ứng dụng khoa học công nghệ
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, trước thực trạng đáng lo ngại đó, ngành y tế đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều giải pháp trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015–2025.
Các mục tiêu quan trọng như phát hiện sớm 50% số người mắc bệnh COPD, hen phế quản, điều trị hiệu quả tại các cơ sở y tế, kiểm soát tốt trên 20% số người bệnh và phát hiện sớm 40% số ca ung thư phổi đã được đề ra.
Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống đáng kể trong tầm soát, chẩn đoán sớm, điều trị, quản lý và đặc biệt là khả năng tiếp cận y tế chất lượng ngay từ tuyến cơ sở.
Nhận diện những thách thức và cơ hội, Chương trình Sức khỏe Phổi Việt Nam giai đoạn 2025–2027 như một sáng kiến hợp tác công – tư, dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi: tiếp cận toàn diện – lấy người dân làm trung tâm – và ứng dụng khoa học công nghệ.
Chương trình dự kiến được thiết kế với các hợp phần cụ thể như: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, tiêu biểu như chiến dịch "CareMe – Yêu lấy mình" đã triển khai; Nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở thông qua đào tạo, hướng dẫn lâm sàng và mô hình quản lý bệnh phổi; Thúc đẩy tầm soát, chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả các bệnh phổi không lây nhiễm; Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn trong theo dõi và quản lý bệnh; và Phối hợp đa ngành thông qua cơ chế "Đối tác vì một hệ thống y tế bền vững", nhằm thúc đẩy công bằng y tế, tiếp cận bình đẳng, hành động vì khí hậu và y tế xanh.
"Tôi đặc biệt đánh giá cao sáng kiến của AstraZeneca Việt Nam. Đây là ví dụ điển hình cho mô hình hợp tác công – tư hiệu quả, cùng hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển hệ thống y tế bền vững"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Quang cảnh hội nghị.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: "Chăm sóc sức khỏe phải dựa trên nhu cầu và lấy người dân làm trung tâm; đảm bảo mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng với chi phí hợp lý".
Đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành y tế – trong đó sức khỏe phổi sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên và then chốt.
Lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ tin tưởng, với sự đồng lòng, cam kết và hành động quyết liệt của tất cả chúng ta, Chương trình Sức khỏe Phổi Việt Nam 2025–2027 sẽ trở thành một dấu mốc quan trọng trong hành trình vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn – nơi mà mọi người dân, không phân biệt vùng miền, dân tộc, giới tính hay điều kiện kinh tế, đều có cơ hội tiếp cận công bằng với dịch vụ y tế chất lượng trong lĩnh vực sức khỏe phổi.
Tại hội nghị, ông Atul Tandon, Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam chia sẻ, trong hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, AstraZeneca đã vinh dự thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với Bộ Y tế, tập trung vào nghiên cứu và phát triển dược phẩm, phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, cũng như xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững.
Ông Atul Tandon, Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam phát biểu.
Theo ông Atul Tandon, các bệnh về phổi, bao gồm COPD, hen suyễn và ung thư phổi, là những thách thức đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng. Các yếu tố như hút thuốc, ô nhiễm môi trường, phơi nhiễm nghề nghiệp và khuynh hướng di truyền góp phần vào tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ mắc bệnh này ngày càng tăng cao. Các nhóm dân số dễ bị tổn thương đặc biệt phải gánh chịu gánh nặng của những tác động này, phải đối mặt với rủi ro cao hơn và khả năng tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế.
"Bằng cách cùng nhau giải quyết vấn đề công bằng y tế, hành động ứng phó với khí hậu và khả năng phục hồi, chúng ta có thể giải quyết hiệu quả các nhu cầu y tế tức thời, đồng thời xây dựng các hệ thống y tế dẻo dai có khả năng thích ứng tốt hơn với bối cảnh môi trường và xã hội trong tương lai"- ông Atul Tandon nói và khẳng định: Chúng tôi cam kết hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam thông qua các sáng kiến toàn diện, mang tính chuyển đổi để giải quyết các vấn đề quan trọng bằng cách tận dụng khoa học và công nghệ. Các biện pháp can thiệp có mục tiêu, như sàng lọc và phát hiện sớm, kết hợp với các chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn diện, sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị.
Thái Bình/ Ảnh: Trần Minh