Triển khai thực hiện “tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng”, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và hướng dẫn xử trí ban đầu, “hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19”
Ngày 02/8/2021, Sở Y tế ban hành công văn số 1568/SYT-NV về việc triển khai thực hiện “tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng”, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và hướng dẫn xử trí ban đầu, “hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19”, theo đó, Sở Y tế phổ biến và yêu cầu thủ trưởng các đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện:
“Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng” theo Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
“Giám sát và phòng, chống Covid-19” theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021.
Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 để có hướng xử lý phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3646/QĐ-BYT ngày 31/7/2021.
Theo Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021, Việt Nam sẽ có 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia ở 3 miền Bắc – Trung – Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Bộ Y tế giao chỉ tiêu về số giường bệnh hồi sức tích cực cho mỗi trung tâm là từ 200-3.000 giường. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2 – 1.000 giường); 6 bệnh viện khác gồm: Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 – mỗi nơi 500 giường; 3 bệnh viện khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ – mỗi nơi 200 giường; Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh 300 giường. Riêng các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 TPHCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện dã chiến) xây dựng quy mô 3.000 giường. Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế)….
Theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021, các biện pháp chống dịch chủ yếu gồm: Điều tra, truy vết F1, F2: yêu cầu thực hiện thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả. Tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh. Thực hiện truy vết theo nguyên tắc, cách thức tại “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính” của Bộ Y tế. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đáp ứng chống dịch: lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân tại cộng đồng ở khu vực có ổ dịch để đáp ứng chống dịch và đánh giá, theo dõi tình hình ổ dịch; lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhóm người nguy cơ cao, khu vực nguy cơ cao trong cộng đồng ngoài ổ dịch để đánh giá và nhận định tình hình dịch chung tại cộng đồng. Trên cơ sở diễn biễn tình hình dịch bệnh và đánh giá nguy cơ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế hoặc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố sẽ điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, quy mô cũng như quy trình lấy mẫu cho phù hợp….
Theo Quyết định số 3646/QĐ-BYT ngày 31/7/2021, tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm được chia làm 4 loại tương ứng với từng màu khác nhau. Cụ thể, màu xanh là mức nguy cơ thấp, màu vàng là nguy cơ trung bình, màu cam là nguy cơ cao và màu đỏ là nguy cơ rất cao…