Tăng cường truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên
Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSS VTN) là một trong những công tác quan trọng để duy trì và nâng cao chất lượng dân số, mặc dù đã có các chương trình sức khỏe vị thành niên, thanh niên trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khoảng trống trong các chương trình, được phản ảnh qua kết quả các chỉ số về kiến thức, thực hành sức khỏe sinh sản và tình dục của vị thành niên, thanh niên.
Lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, là giai đoạn cần trang bị những kỹ năng cơ bản để các em bước vào giai đoạn của tuổi trưởng thành. Chính vì vậy, các em cần được quan tâm chu đáo từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là một trong những việc được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, lứa tuổi vị thành niên đang có những nguy cơ quan hệ tình dục sớm, không an toàn dễ dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS; Mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn… Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên là do thiếu sự quan tâm từ gia đình, thiếu hiểu biết về giới tính, tình dục, thiếu kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ.
Trước tình hình đó, hàng năm Trung tâm kiểm soát bệnh tật thường xuyên phối hợp với các Trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức lớp tập huấn cho các em học sinh để trang bị những kiến thức về: chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên và thanh niên, phòng chống xâm hại tuổi vị thành niên, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, mang thai vị thành niên và các biện pháp tránh thai cho vị thành niên,... nhằm thay đổi hành vi của các em.
Bên cạnh đó, phòng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình của 10 Trung tâm Y tế huyện/thành phố/thị xã cũng thường xuyên phối hợp với phòng Giáo dục đào tạo huyện tổ chức các buổi truyền thông, buổi sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản cho học sinh tại trường THCS, THPT; tiến hành phát tờ rơi, tờ gấp về các vấn đề như: an toàn sức khỏe vị thành niên, mang thai vị thành niên,…; cuốn những điều cần biết về vấn đề sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, còn phối hợp với các trạm y tế xã/phường/thị trấn tổ chức khám cận lâm sàn, siêu âm cho đối tượng là thanh niên trong độ tuổi từ 15 – 24…
Đối với những xã thực hiện đề án “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, thường xuyên triển khai tập trung tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh huyện và đài phát thanh xã, thị trấn; tổ chức truyền thông lồng ghép tại các buổi sinh hoạt câu lạc bộ thôn, xóm; tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cho đối tượng là các bậc phụ huynh, các em học về nội dung sức khỏe sinh sản.
Một số trường THCS trên địa bàn tỉnh hàng năm thường tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tìm hiểu HIV/AIDS, diễn tiểu phẩm, lồng ghép nội dung chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong buổi sinh hoạt dưới cờ nhằm trang bị, nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng cho các em học sinh về vấn đề sức khỏe, tâm lý và giới tính, thu hút rất nhiều học sinh tham gia; xây dựng “góc thân thiện vị thành niên” là nơi giao lưu, chia sẻ về đời sống tình thần, văn hóa, giải trí cho các em.
Có thể nói, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên là công tác quan trọng góp phần ổn định nhiều mặt của xã hội, phòng tránh nhiều hệ lụy tiêu cực trong giới trẻ và là nền tảng nâng cao chất lượng dân số, gia đình về lâu dài cho địa phương. Việc nâng cao hiệu quả công tác này là vấn đề cần quan tâm. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe; mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà… để giáo dục, động viên con em trong việc tham gia tư vấn và khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, gia đình và xã hội cần tạo mọi điều kiện để vị thành niên, thanh niên tích cực học tập, lao động, chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục lành mạnh nói riêng; bảo đảm để vị thành niên, thanh niên được quan tâm chăm lo toàn diện.