• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phối hợp liên ngành phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người

Sáng ngày 27-3, Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đồng chủ trì, cùng với sự tham gia của 63 tỉnh, thành trong cả nước.  

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại đầu cầu Sở Y tế Hưng Yên

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật; Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người: A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…; Có 14/45 bệnh truyền nhiễm phải báo cáo là bệnh lây truyền từ động vật, trong đó có 10 bệnh phải báo cáo trong vòng 24 giờ khi phát hiện ca bệnh. Trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, trong đó bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất. Năm 2023 có 30/63 tỉnh thành, trong đó ở khu vực miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (37,8%), miền Nam và Tây Nguyên (24,4%), miền Trung (13,4%). Miền Nam và Tây Nguyên gia tăng ca bệnh dại liên tiếp trong những năm gần đây; Tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh Dại chiếm 34%.

Cục Y tế dự phòng cũng nhận định, 100% số ca tử vong vì bị bệnh dại do không đi tiêm vắc xin phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Trong đó nguyên nhân chủ quan là chó nhà cắn nên không đi tiêm chiếm hơn 43%; Tiếp đến là dùng thuốc nam điều trị; Hạn chế hiểu biết về bệnh dại; Có những trường hợp trẻ nhỏ bị chó cắn nhưng không báo với gia đình; Hoặc không có tiền để tiêm vắc xin, huyết thanh cũng là những nguyên nhân dẫn đến các ca bệnh tử vong. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 24 ca tử vong do bệnh dại.

Đối với bệnh cúm gia cầm trên người: Dịch cúm A(H5N1) ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là môt trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Trong đó có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là 2004-2009 ghi nhận 112 trường hợp bệnh, có 57 ca tử vong. Tháng 10/2022 ghi nhận trường hợp cúm A(H5N1) trên người sau 8 năm kể từ tháng 2/2014 ghi nhận 01 ca ở Phú Thọ. Tháng 3/2024 ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A (H5N1) tại Khánh Hòa. Cúm A (H7N9): chưa ghi nhận ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam trên cả gia cầm và người. Chưa ghi nhận cúm A(H5N6), A(H5N8) và A(H9N2) lây sang người, dù có ghi nhận ổ dịch trên gia cầm ở Việt Nam.

Theo Cục Thú Y (Bộ NN-PTNT): Dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới diễn biến cực kỳ phức tạp. Năm 2023 ghi nhận 8.205 ổ dịch xảy ra tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ; Riêng 3 tháng đầu năm 2024: 1.291 ổ dịch tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Căm-pu-chia, năm 2023 có 6 người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm A(H5N1) (trong đó có 04 ca tử vong); Từ đầu năm 2024 đến nay, tiếp tục có 05 người nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 (trong đó có 01 ca tử vong) tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.

Còn tại Việt Nam năm 2023 có 21 ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) xảy ra tại 11 tỉnh, buộc tiêu hủy hơn 40 nghìn con gia cầm, giảm trên 60% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm A (H5N1) tại 6 tỉnh, buộc tiêu hủy gần 9 nghìn con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) chưa qua 21 ngày. 

Tình hình dịch cúm gia cầm vẫn còn nhiều nguy cơ như tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin; Các chủng vi rút A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8,... lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 5%). Giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới; Diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.

Cũng theo Cục Thú Y, tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại trên cả nước chỉ chiếm 58% tổng đàn chó mèo, có một số địa phương rất thấp dưới 20% tổng đàn chó mèo. 

Trong thời gian qua, ngành y tế và ngành thú y đã có sự phối hợp lâu dài, chặt chẽ và đạt được một số thành tích nhất định. Năm 2013, hai ngành đã phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013.  

Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT nhận định, trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT; Đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người; trong đó quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm. 


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?