• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh Tay-chân-miệng

Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy cả nước ghi nhận gần 7.000 trường hợp mắc Tay-chân-miệng. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc giảm 83,3%, tuy nhiên số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền nam và cục bộ một số tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,…

Theo thống kê tại khoa Nội Nhi, bệnh viện Sản-Nhi Hưng Yên, thời điểm hiện tại, khoa đang điều trị cho 30 bệnh nhi bị bệnh Tay-chân-miệng, trung bình 4-5 trẻ/ ngày đến khám và điều trị, tăng khoảng 40-60% so với thời điểm cách đây một tuần, trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 3 tuổi… Bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên cho biết: Bệnh Tay-chân-miệng do các chủng vi rút thuộc họ vi rút đường ruột gây ra, hai nhóm tác nhân thường gặp là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Sau khi nuốt phải vi rút gây bệnh và trải qua thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như: sốt (hầu hết trẻ bị sốt nhẹ, nhiệt đột thường từ 37,5-38o C, đôi khi sốt cao đến 39oC); loét miệng (thường được phát hiện nhiều nhất là ở vùng hầu họng, niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, số lượng từ 1 đến vài mụn, kích thước khoảng 2mm-3mm); tiêu chảy; rối loạn tri giác, mê sảng,…

Bệnh lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất bài tiết của người bệnh trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế,… Chính vì thế mà bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng đặc biệt ở những nơi như trường học,… Bác sĩ Phạm Văn Ngọc-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh,… Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh...

Đối với trẻ bị bệnh, bác sĩ Nga cho biết: Nên cho trẻ ăn theo nguyên tắc đủ dinh dưỡng và uống đủ nước. Các vết mụn nước trong miệng sẽ khiến trẻ khó chịu dẫn đến chán ăn, khi đó người chăm sóc trẻ nên sử dụng thức ăn lỏng, ấm, chia thành nhiều bữa nhỏ. Cho trẻ ăn thực phẩm giàu vitamin A, C như thịt, tôm, cá, trứng, sữa và các loại rau có màu xanh sẫm, củ quả màu vàng để tăng đề kháng và giúp vết thương của trẻ mau lành. Hiện bệnh Tay-chân-miệng chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Trẻ bệnh nên được cách ly tại nhà, dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng nếu nhiệt độ cơ thể trên 38,5 oC, các triệu chứng sẽ hết trong vòng một tuần đến 10 ngày. Trong trường hợp, trẻ sốt cao trên 39oC, không hạ sốt, li bì, giật mình, tím tái, run tay chân thì cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị.


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?