Người dân không nên tích trữ và tự ý sử dụng thuốc kháng virut trong điều trị Covid-19 tại nhà
Hiện nay, trước thực trạng số ca nhiễm Covid-19 tại tỉnh Hưng Yên tăng nhanh kéo theo số bệnh nhân phải điều trị tại nhà cũng nhiều thêm mỗi ngày. Vì lo lắng nên nhiều người dân đã tự ý tìm mua các loại thuốc kháng virus không theo chỉ định để sử dụng hoặc tích trữ để sử dụng khi mắc Covid-19. Điều này được Cục quản lý Dược khuyến cáo cần đặc biệt lưu ý vì không phải bệnh nhân nào cũng cần sử dụng loại thuốc này.
Hiện Việt Nam đã cấp phép lưu hành cho 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molravir sản xuất trong nước để điều trị Covid-19. Tuy nhiên, đây là loại thuốc mới được cấp phép có điều kiện, cần được tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc cần phải có sự thăm khám, kê đơn của bác sỹ, nhân viên y tế. Nếu sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe do các phản ứng có hại của thuốc.
Qua khảo sát tại một số quầy thuốc trên địa bàn, việc bán các loại thuốc kháng virus đều phải đáp ứng các yêu cầu có đơn thuốc, giấy xét nghiệm F0 của bệnh nhân. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân trên các trang mạng xã hội có không ít bài viết quảng cáo và mua, bán về các loại thuốc này một cách dễ dàng. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin cũng như tuân thủ đúng phác đồ hướng dẫn của bác sỹ, nhân viên y tế điều trị, tránh việc tự ý sử dụng và dự trữ thuốc kháng virus không cần thiết
Chị Nguyễn Thị Lương, chủ quầy thuốc Long Lương, xã Yên Phú (Yên Mỹ) cho biết: “Những ngày gần đây, người dân có nhu cầu mua thuốc dự phòng tăng cao, trung bình tăng khoảng 7-10 lần so với thời điểm trước đó, thậm chí có lúc quầy thuốc còn bị “cháy” nhiều mặt hàng. Trong đó, chủ yếu về các loại thuốc bổ, vitamin C, kẽm, vitamin tổng hợp, thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc ho, xịt mũi... Không ít người đến hỏi mua một số loại thuốc kháng virus để dự phòng điều trị khi mắc Covid-19”
Về vấn đề này, bác sỹ Phạm Văn Ngọc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Việc bổ sung các vitamin để nâng cao sức khỏe, giúp cơ thể có sức đề kháng chống chọi với bệnh truyền nhiễm là cần thiết. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là khi mắc mới dùng cấp tốc các loại thuốc bổ và vitamin, mà việc bổ sung cần được thực hiện thường xuyên nhưng cần phải dùng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Và một điều quan trọng để tăng cường sức khỏe là ăn uống đầy đủ, cân đối các loại thực phẩm để bổ sung dưỡng chất; tập thể thao thường xuyên phù hợp với sức khỏe của bản thân nhưng cần bảo đảm về giãn cách để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bác sĩ CKII Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Mỗi loại thuốc kháng vi rút có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định, do vậy việc dùng các thuốc kháng vi rút cần đúng chỉ định của bác sĩ, đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần được giám sát cẩn thận tránh để các tác dụng phụ gây rủi ro đáng tiếc. Vì thế, người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc điều trị Covid-19 trên mạng hoặc theo mách bảo, bởi thuốc không rõ nguồn gốc, không có sự chỉ định của bác sĩ dùng hàm lượng bao nhiêu nên tiềm tàng nhiều nguy cơ bất lợi với sức khỏe, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh. Người bệnh điều trị tại nhà cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, thường xuyên vệ sinh mũi họng, uống nước ấm, bảo đảm dinh dưỡng, không bỏ bữa, suy nghĩ tích cực, giữ tâm trạng thoải mái…
Để nhanh chóng phục hồi, những bệnh nhân điều trị tại nhà phải tuân thủ nghiêm hướng dẫn của nhân viên y tế, tuyệt đối không nên tự ý mua, không tích trữ,m và đặc biệt là không tùy tiện sử dụng thuốc điều trị Covid-19 vì khi dùng không đúng, hoặc mua phải thuốc không bảo đảm chất lượng không chỉ gây tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Khi người dân thấy triệu chứng cần liên lạc với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn hướng dẫn; khi xác định đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2, người dân cần bình tĩnh và xin chỉ định phương pháp điều trị của cán bộ y tế cơ sở; nếu bệnh diễn biến theo chiều hướng ngày càng nặng như tức ngực, khó thở, nồng độ ô xy xuống thấp… cần liên lạc ngay với cán bộ y tế cơ sở hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc kịp thời.