Người dân cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại để không mất cơ hội được bảo vệ liên tục
Hiện dịch Covid-19 đã “hạ nhiệt”, số người nhiễm bệnh giảm sâu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 chưa phải đã chấm dứt, vắc xin phòng Covid-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm, người đã tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm. Đặc biệt, vi rút SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Vì vậy, việc tiêm liều nhắc lại (mũi 3, mũi 4) hoàn toàn cần thiết để không mất cơ hội được bảo vệ liên tục.
Tình hình dịch Covid-19 trên cả nước nói chung và tại tỉnh Hưng Yên nói riêng hiện đang có chiều hướng giảm số ca mắc một cách rõ rệt. Điều này chứng tỏ hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó quan trọng nhất phải kể đến hiệu quả của việc tiêm vắc xin.
Theo các nhà chuyên môn, nhà sản xuất vắc xin phòng Covid-19 và thông qua đánh giá lâm sàng cho thấy, vắc xin Covid-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng miễn dịch sẽ giảm, vì vậy, người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm. Sau khi tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và 2) thì khả năng bảo vệ là trên 80%, sau 3-6 tháng hiệu lực bảo vệ giảm dần, chỉ còn 50% (nhất là với chủng Omicron). Nếu tiêm mũi nhắc lần 1 (mũi 3) kháng thể tăng lên được 70%, nhưng lại giảm dần từ tháng thứ 4 và đến tháng thứ 6 xuống còn 30%. Do đó nếu không tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì khả năng bảo vệ cơ thể sẽ mất dần và trở về như người chưa tiêm, nếu xuất hiện chủng Covid-19 mới thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng và có thể tử vong. Vậy nên, câu hỏi vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại có thực sự cần thiết không, chúng tôi cho rằng vẫn rất cần thiết trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Vắc xin phòng Covid-19 khác với một số vắc xin như: vắc xin đậu mùa, sởi, bại liệt có miễn dịch rất bền vững, gần như suốt đời, vắc xin viêm não Nhật Bản B cũng có miễn dịch rất cao, tuy nhiên vắc xin phòng Covid-19 hoàn toàn khác, người được tiêm vắc xin sau một thời gian từ 4-6 tháng, miễn dịch sẽ giảm dần, người đã tiêm rồi vẫn có thể nhiễm Covid-19 và nguy hiểm hơn cho người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người già…
Hiện dịch Covid-19 có những dấu hiệu giảm, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn, đã và đang khuyến cáo người dân tiêm mũi thứ 4, tiến dần đến việc tiêm chủng phòng Covid-19 hằng năm như cúm mùa. Tuy nhiên, dịch Covid-19 chưa phải đã chấm dứt hoàn toàn cho nên người dân cần tiêm vắc xin để được bảo vệ liên tục. Hơn nữa, nhiều người vẫn đang thuộc đối tượng nguy cơ cao như có các bệnh nan y, bệnh lý nền nặng, do đó tiêm vắc xin mũi 4 không chỉ bảo vệ bản thân người tiêm mà còn bảo vệ người thân, cộng đồng thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao nữa.
Ngoài ra, dù dịch có giảm và nhiều người nhiễm thấy sức khỏe bình thường, không triệu chứng nặng, nhưng những ảnh hưởng hậu Covid-19 là có và đang gây rất nhiều triệu chứng, hệ lụy khác nhau liên quan đến tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, cơ xương khớp, nội tiết… Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 203 triệu chứng hậu Covid-19. Cho nên vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại vẫn là “lá chắn” cần thiết.
Các nghiên cứu đều cho thấy vắc xin không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, khả năng tình dục và cũng không ghi nhận các tác dụng phụ tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ. Ngay cả Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hoa Kỳ), cơ quan kiểm soát bệnh tật uy tín hàng đầu thế giới cũng chưa đăng bất kỳ thông tin nào về những tác dụng phụ lâu dài như người dân đang truyền tai nhau. Tuy nhiên, những thông tin nghiên cứu về các ảnh hưởng của hậu Covid-19 thì đã được khẳng định, có 203 triệu chứng, trong đó có tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản, giảm khả năng tình dục…
Do đó, người dân không nên tin theo những lời truyền miệng không căn cứ để đánh mất cơ hội được bảo vệ liên tục khi từ chối tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19.
Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vắc xin phòng Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn chiếm ‘ưu thế’ trên thế giới.