• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không tự ý điều trị cúm bằng thuốc Tamiflu

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay tỉnh Hưng Yên ghi nhận hơn 14.000 ca nhiễm cúm mùa. Liên quan đến thuốc điều trị bệnh cúm, theo phản ánh trên một số phương tiện thông tịn truyền thông về việc không ít người dân tự mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir (thuốc kê đơn, không tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sỹ) để điều trị cúm tại nhà.

Theo đó, Oseltamivir chỉ nên dùng trong các trường hợp: Điều trị cúm typ A và B ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và cho người lớn, đã có triệu chứng điển hình của cúm không quá 48 giờ (2 ngày), trong thời gian có cúm vi rút lưu hành. Chỉ định được khuyến cáo đặc biệt đối với người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi hoặc có 1 trong những bệnh sau: Bệnh hô hấp mạn kể cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim - mạch nặng trừ bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường) và dự phòng cúm (trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm và trong thời gian có dịch cúm) cho người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt đối với người có nhiều nguy cơ (chưa được bảo vệ hữu hiệu bằng vắc xin cúm, nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp người bệnh và có thể bắt đầu dùng oseltamivir trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm) và việc dùng thuốc cần  phải được bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người dân khi có các triệu chứng như: ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi đã tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà không đến các cơ sở y tế để tư vấn, khám. Chị Nguyễn Thị M – xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ cho biết: tôi có hiện tượng sốt cao, đau đầu và ho liên tục, tôi nghĩ mình mệt mỏi nên đã đi truyền nước nhưng không thấy đỡ, sau đó tôi được chị hàng xóm mách mua thuốc kháng vi rút uống sẽ khỏi nên tôi đã ra hiệu thuốc hỏi mua về uống.

Bên cạnh đó, nhiều người dân nghe thấy tác dụng phòng chống cúm của Tamiflu nên đã mua về uống phòng, thậm chí nhiều người sợ biến chứng của cúm đã tự ý tìm mua Tamiflu mà không có bất kỳ sự chỉ dẫn của bác sĩ, dẫn đến tình trạng tốn kém về kinh tế, trong trường hợp không may còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dùng, đặc biệt còn gây nhiễu loạn giá thuốc trên thị trường. Chị T, chủ quầy thuốc ở huyện Tiên Lữ cho hay: những ngày gần đây nhu cầu mua thuốc Tamiflu tăng cao khiến loại thuốc này khan hiếm, theo đó giá cả cũng biến động theo. Trước, một viên Tamiflu có giá khoảng 30.000 đồng, hiện nay lên đến hơn 90.000 đồng, nhiều khi còn bị cháy hàng.

Theo BS CKI Phạm Văn Ngọc – Trưởng khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: người dân không nên tự ý mua thuốc Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm có triệu chứng nhẹ, việc dung Tamiflu là không cần thiết. Thời gian điều trị thuốc kháng vi rút khác nhau phụ thuộc vào y lệnh của bác sĩ. Có nhiều loại thuốc kháng vi rút và mỗi loại có tác dụng phụ khác nhau: Tác dụng phụ phổ biến nhất đối với Oseltamivir là buồn nôn và nôn; đối với Zanamivir có thể gây co thắt phế quản và peramivir có thể gây tiêu chảy… Vì vậy, việc tự ý mua thuốc điều trị kháng vi rút để sử dụng có thể gây hậu quả đáng tiếc

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu bị cúm mùa, chỉ được uống thuốc kháng vi rút nếu có chỉ định của bác sĩ. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa hàng ngày để bảo vệ người xung quanh: Trong khi bị bệnh, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm cho họ; Phải che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi; Vứt khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng; Phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất chà tay chứa cồ;. Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật có thể bị nhiễm vi trùng như cúm; Tiêm vắc xin cúm hàng năm để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cúm…


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?