Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung
Vừa qua, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3792/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 17/12/2024, được ban hành và thay thế Quyết định số 2402/QĐ-BYT ngày 10/06/20219 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn Dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung”.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến trong các loại ung thư của phụ nữ trên toàn thế giới. Năm 2022, tại Việt Nam có 4.612 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, tử vong 2.571 trường hợp. Một số lý do dẫn đến tình trạng này là tỷ lệ phụ nữ được sàng lọc định kỳ còn chưa cao, hệ thống ghi nhận và theo dõi quá trình sàng lọc ung thư chưa được triển khai rộng khắp, các trường hợp có tổn thương tiền ung thư chưa được xử trí đồng bộ và hiệu quả một cách đầy đủ.
Các kỹ thuật chăm sóc, chẩn đoán, xử trí và điều trị đề cập trong tài liệu này chỉ được thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh có giấy phép hoạt động và phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp; người cung cấp dịch vụ chỉ được thực hiện khi có chứng chỉ hành nghề/ giấy phép hành nghề có phạm vi phù hợp dó cấp có thẩm quyền cấp.
Theo đó, tài liệu bao gồm 6 phần chính: Đại cương về sàng lọc và dự phòng ung thư cổ tử cung, dự phòng cấp 1 ung thư cổ tử cung, sàng lọc ung thư cổ tử cung (bằng cách: xét nghiệm HPV nguy cơ cao, xét nghiệm tế bào cổ tử cung, quan sát cổ tử cung với acid acetic (VIA), quan sát cổ tử cung với Lugol), các phương pháp chẩn đoán (bao gồm: soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung…), xử trí và điều trị các tổn thương cổ tử cung,.. ngoài ra còn có các phác đồ sàng lọc bằng xét nghiệm HPV, tế bào học, test và phác đồ xử trí kết quả sàng lọc dựa trên nguy cơ,…