Hạn chế uống rượu, bia để vui Tết an toàn
Trong dịp Tết Nguyên đán rượu, bia là đồ uống thường xuyên được sử dụng. Tuy nhiên, uống rượu bia như thế nào để vừa vui, vừa bảo đảm sức khỏe trong những ngày Tết là điều người dân cần lưu ý.
Rượu bia gây nhiều tác hại cho sức khỏe
Trong những ngày Tết lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do tai nạn giao thông, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.
Theo văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ TNGT ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do TNGT có liên quan đến rượu, bia. Trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm Quý Mão 2023 cho thấy, CSGT công an các địa phương đã xử lý 5.171 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Mỗi ngày tính trung bình, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 1.000 tài xế uống rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán.
Đối với ngộ độc rượu, được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).
Uống các loại rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) rất dễ bị ngộ độc.
Không chỉ dịp Tết, uống rượu, bia thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sụt cân, chán ăn, rối loạn tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch, uống rượu, bia gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở những người có huyết áp cao.
Ngoài ra uống nhiều rượu, bia còn gây suy giảm trí nhớ, run chi, rối loạn tinh thần. Phụ nữ mang thai uống rượu, bia cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình. Chất cồn sẽ khiến mẹ say xỉn, mệt mỏi, đau đầu, gây rối loạn về thể chất, tinh thần và có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ, sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Hơn nữa, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Hạn chế sử dụng rượu, bia để vui Tết an toàn
Uống rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn. Trong trường hợp có uống thì tránh lạm dụng, uống quá nhiều; không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không quá 5 ngày/tuần. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Đối với những người có uống rượu, bia dịp Tết nên thực hiện tốt các lưu ý sau để bảo vệ sức khỏe bản thân:
1. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức thấp nhất trong một lần uống.
2. Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
3. Uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
4. Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…
5. Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
(Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%)).
Đỗ Huế T.H