Giáo dục và hỗ trợ - Đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã khuyến cáo tất cả các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Dù ý thức được tầm quan trọng của sữa mẹ nhưng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay khá thấp ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tỷ lệ này được ước tính là 22,7% năm 2015 và 45,4% năm 2020 theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng. Đây là con số đáng lo ngại và chính điều này, trở thành nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng to lớn tới thế hệ tương lai của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, không khó để ta có thể tìm kiếm rất nhiều thông tin, kiến thức về lợi ích từ việc cho con bú mẹ sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nhưng thực tế ở Việt Nam có 66% các bà mẹ hiểu ý nghĩa của việc bú mẹ hoàn toàn, nhưng chỉ có 34% hiểu được nhu cầu phải cho bé bú sớm. Lý giải cho điều này, chị Phạm Thị Thắm, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: “Tôi cũng biết lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng giờ mình thấy có rất nhiều loại sữa với nhiều thành phần giúp con phát triển toàn diện, nên mình đã cho con uống cả sữa mẹ và sữa công thức từ lúc sơ sinh”. Còn chị Nguyễn Thị Trinh, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên cho biết: “Mình sinh đến 2 đứa con rồi, nhưng bé nào mình cũng cho ăn dặm sớm từ 4 tháng tuổi vì mình phải đi làm công ty khi con bước sang tháng thứ 5, hơn nữa thấy các bà bảo đến 4 tháng sữa mẹ không đủ chất nữa, nên cho con ăn dặm sớm cho quen, chắc dạ”.
Như vậy, có thể thấy rằng tâm lý mong con phát triển vượt bậc so với các bạn cùng lứa tuổi, cùng với sự thiếu kiến thức hoặc kiến thức không đầy đủ đã dẫn đến tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ tại Việt Nam đạt mức thấp.
Theo WHO, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Cùng với đó, sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh nhiễm khuẩn. Ngoài ra, việc cho con bú mẹ thường xuyên còn giúp cải thiện tâm lý cho bà mẹ và trẻ, giúp người mẹ phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ béo phì và bệnh mạn tính cho trẻ sau này. Nắm bắt được tầm quan trọng từ việc nuôi con bằng sữa mẹ, từ 1/8 đến 7/8 hàng năm, Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) được các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức. Với chủ đề “Giáo dục và hỗ trợ - Đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ”. Hưởng ứng Tuần lễ năm nay, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương phối hợp các nguồn lực hiện có để tăng cường các hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ. Các địa phương tập trung truyền thông, giáo dục sức khỏe cho các cấp, các ngành về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Sữa mẹ không những đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho bà mẹ, trẻ em mà còn giúp nâng cao sức khoẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong đại dịch COVID-19. Cùng với đó, tăng cường truyền thông cho các đơn vị sử dụng lao động lợi ích của việc NCBSM để có những hỗ trợ thiết thực cho bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ và cách duy trì nguồn sữa khi bà mẹ trở lại làm việc sau nghỉ thai sản. Các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trực thuộc phải tuân thủ Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo; duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho con bú đúng, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ…