Đẩy mạnh công tác phòng chống lao tại cộng đồng
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác phòng chống bệnh lao, nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao toàn cầu. Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, ước tính mỗi năm Việt Nam có 170.000 ca mắc mới ( báo cáo WHO 2020), khoảng 11.400 ca tử vong.
Năm 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, công tác phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng giảm. Thông qua các hoạt động truyền thông về dịch bệnh Covid-19, người dân đã có ý thức hơn về phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm thông qua đường hô hấp, trong đó có bệnh lao. Đây là một trong những cơ hội để chúng ta thực hiện mục tiêu từng bước tiến tới chấm dứt bệnh lao. Chương trình phòng chống lao quốc gia năm 2022 đã chọn chủ đè ngày thế giới phòng chống lao tại Việt Nam là “ Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao”.
Trong năm vừa qua, mặc dù Hưng Yên phải đối mặt với đại dịch Covid-19, tuy nhiên công tác phòng chống lao của tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Mạng lưới phòng, chống bệnh lao được duy trì từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã/phường/thị trấn, cán bộ phụ trách công tác chống lao tại các tuyến được phân công phụ trách từng địa bàn cụ thể để nắm bắt kịp thời biến động của bệnh nhân. Các hoạt động phòng chống lao được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Hoạt động khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng được đẩy mạnh: năm 2021, Bệnh viện Phổi tổ chức khám sàng lọc miễn phí tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh và Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy cho 500 người, khám sàng lọc tại cộng đồng cho 316 trẻ từ 0- 14 tuổi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh lao phổi, xét nghiệm đờm cho 11.125/1.258.000 người, đạt tỷ lệ 0,88% dân số/năm,…. Theo báo cáo của bệnh viện Phổi Hưng Yên, năm 2021, phát hiện 295 bệnh nhân lao phổi AFB (+) có nguồn lây cơ bản trong cộng đồng, bệnh viện đã thu nhận điều trị 529 bệnh nhân lao, tỷ lệ điều trị thành công đạt 95,45% và tỷ lệ điều trị thành công tổng số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học là 96,56%.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền về công tác phòng chống lao cũng được đẩy mạnh, ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế về việc hướng dẫn sử dụng modul hỗ trợ điều trị, giám sát; bệnh viện Phổi còn tiến hành phát hơn 20.000 tờ rơi về: Sổ tay điều trị bệnh lao, bệnh lao mọi người cần biết, truyền thông về bệnh lao và bệnh COPD; gần 200 băn rôn, khẩu hiệu; phát trên hệ thống truyền thanh của các xã/phường/thị trấn hơn 600 lần thông điệp về phòng chống bệnh lao tại cộng đồng,…
Việc khám sàng lọc, phát hiện bệnh nhân lao tại các tuyến ngày càng tốt hơn, góp phần hạn chế nguồn lây mới trong cộng đồng, tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh lao trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn cao bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là do công tác phát hiện nguồn lây còn gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã được tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhưng ý thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh lao vẫn còn hạn chế: nhiều bệnh nhân từ chối điều trị hoặc bỏ điều trị, nhiều người còn che giấu vì sợ sự kỳ thị, xa lánh của nhữngngười xung quanh, phần lớn bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện đều đã chuyển qua giai đoạn khá nặng,...làm tăng nguy cơ phát tán bệnh trong cộng đồng. Hơn nữa, cán bộ phụ trách công tác phòng chống lao của 10 huyện/thành phố/thị xã phải kiêm nhiệm nhiều công việc; việc phát hiện bệnh nhân, quản lý và điều trị ngoại trú còn nhiều hạn chế, xuất hiện nhiều trường hợp lao kháng thuốc (năm 2021, xét nghiệm GenXpert cho 566 người bệnh nghi lao kháng thuốc, trong đó phát hiện được 23 bệnh nhân lao kháng thuốc) gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống lao.
Ông Đặng Tiến Quân – Phó giám đốc bệnh viện Phổi Hưng Yên cho biết: Bệnh nhân lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách. Nhằm giảm tỷ lệ mắc, tái phát, kháng thuốc và giảm tỷ lệ tử vong do lao, tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030 cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, phòng chống lao tại tuyến cơ sở, điều quan trọng là sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành giúp nâng cao hiểu biết, thay đổi được nhận thức của người dân về bệnh lao, để họ chủ động hơn trong việc phát hiện, thăm khám, tích cực điều trị để công tác phòng, chống lao trong cộng đồng ngày càng hiệu quả.