ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG TIÊM CHỦNG BẢO VỆ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh tiểm ẩn, trong đó có dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh tái nổi với sự biến chủng gen có độc lực cao đe dọa sức khỏe, tính mạng của cộng đồng. Vắc xin và tiêm chủng từ nhiều năm nay vẫn luôn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm. Theo thống kê y tế, có khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch, nhờ có vắc xin mà hằng năm trên thế giới có khoảng 2,5 triệu trẻ em được cứu sống khỏi bệnh truyền nhiễm.
Tạo hàng rào miễn dịch nhờ vắc xin
Thực tế, nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ dẫn đến nguy cơ cao trẻ bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ và sự an toàn của cộng đồng.
Theo thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hưng Yên, tính đến tháng 11 năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 16 ca mắc Sởi (03 ca được phát hiện tại Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên, 13 ca được phát hiện tại các bệnh viện tuyến Trung ương); 20 ca mắc bệnh ho gà; 205 ca mắc Thủy đậu; 6.363 ca mắc cúm mùa, không ghi nhận ca mắc cúm có độc lực cao như Cúm AH5N1. Theo đánh giá dịch tễ bệnh Ho gà cho thấy có đến 90% trẻ mắc ho gà được ghi nhận trên địa bàn tỉnh là do trẻ chưa đến lịch tiêm và chưa được tiêm đủ mũi.
Để hạn chế tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm hay các bệnh có thể phòng tránh được bằng vắc xin, ngoài việc chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, như: triển khai tốt công tác giám sát, phát hiện từ ca bệnh nghi ngờ đến ca mắc đầu tiên, kích hoạt hệ thống đáp ứng nhanh tiến hành khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, hướng dẫn y tế cơ sở thực hiện các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, kiên quyết không để dịch lây lan ra cộng đồng... thì biện pháp được đánh giá là hiệu quả, được ưu tiên hàng đầu đó là tiêm vắc xin phòng bệnh. Thực tế cũng đã chứng minh tính hiệu quả của mỗi loại vắc xin là tạo nên hàng rào miễn dịch, giúp cơ thể sinh ra kháng thể để chống lại một hoặc nhiều bệnh truyền nhiễm, có loại vắc xin hiệu quả phòng bệnh rất cao, có thể lên đến trên 95%.
Trong năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hưng Yên đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế, UBND tỉnh ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêm chủng mở rộng: kế hoạch phòng, chống và đáp ứng với dịch Sởi; tiến hành rà soát nhóm đối tượng và tổ chức tiêm liều bổ sung cho đối tượng chưa tiêm đủ liều hoặc chưa được tiêm do thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19; kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi được phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế; kế hoạch triển khai tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu giảm liều (Td) năm 2024. Bên cạnh đó, thường xuyên chủ động rà soát, kiện toàn các đội cơ động, đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh; thành lập tiểu ban giám sát TCMR và PCD bệnh ở người năm 2024;… đồng thời cử viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn về tiêm chủng, về vắc xin, bảo quản dây truyền lạnh,… do Bộ Y tế tổ chức và xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, hướng dẫn y tế cơ sở thực hiện quy trình tiêm chủng, kỹ thuật tiêm mới,… nhằm đảm bảo an toàn trước, trong và sau tiêm chủng.
Đối tượng nào cần tiêm chủng vắc xin
Nhiều người quan niệm rằng chỉ có trẻ con mới cần phải tiêm vắc xin vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Nhưng trên thực tế, mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là trẻ em, người già, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, hay bất cứ ai chưa có miễn dịch từ trước hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ đều có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đều cần được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Ngày nay, tiêm chủng không chỉ là quyền lợi để bảo vệ bản thân, gia đình mà còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân trong việc ngăn chặn, vô hiệu hóa các nguồn lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần phát triển cộng đồng một cách bền vững.
Trong 10 tháng năm 2024, tỷ lệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được tiêm chủng đầy đủ đạt 93,52% (chỉ tiêu kế hoạch dự kiến năm là trên 95%). Trong đó, tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ 18 tháng đạt 92,07% (chỉ tiêu kế hoạch dự kiến năm là trên 95%); tiêm vắc xin DPT4 cho trẻ 18 tháng đạt 76,89% (chỉ tiêu kế hoạch dự kiến năm là trên 85% do thiếu vắc xin từ tháng 7/2024 đến nay); tiêm UVSS đạt 100%; tiêm viêm não Nhật Bản mũi 3 đạt 79,19% (chỉ tiêu kế hoạch dự kiến năm là trên 90%); tỷ lệ trẻ được uống vắc xin OVP3 phòng bại liệt đạt 91,39%; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván mũi 2 đạt 100%...
Các bệnh có thể phòng ngừa được bằng tiêm chủng
Tại Việt Nam, chương trình TCMR đã được thực hiện từ rất sớm, đến nay đã hơn 40 năm. Danh sách các loại vắc xin trong chương trình TCMR tại Việt Nam bao gồm: vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Bên cạnh các loại vắc xin trong chương trình TCMR, vẫn còn rất nhiều loại vắc xin dịch vụ phòng hàng loạt bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Vắc xin phòng thủy đậu; vắc xin phòng 3 bệnh: sởi – quai bị – rubella; vắc xin phòng viêm gan A; vắc xin phòng viêm gan A+B; vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu tuýp A+C+Y+W135, tuýp B+C, tuýp B; vắc xin phòng viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn; cắc xin phòng tiêu chảy do Rota virus; vắc xin phòng cúm; vắc xin phòng bệnh dại; vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, ung thư hầu họng, hậu môn, mụn cóc sinh dục; vắc xin phòng bệnh Zona thần kinh; vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.