Cảnh báo một số loại thuốc nghi ngờ giả mạo, lưu hành trái phép
Bộ Y tế vừa có văn bản thông báo về việc xuất hiện thuốc nghi ngờ giả mạo thuốc Ritalin được buôn bán qua mạng xã hội. Trên cơ sở đó, Sở Y tế có Công văn số 1340/SYT-NV ngày 04/07/2022 thông báo đến Phòng Y tế các huyện, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở kinh doanh thuốc về mẫu thuốc nghi ngờ giả mạo thuốc nhập khẩu đang lưu hành trái phép.
Cụ thể, sản phẩm nghi ngờ giả mạo trên nhãn ghi tên thuốc Ritalin 10mg (Methylphenidate hydrochloride); Số lô: BLA53; NSX: 09.2020; Hạn dùng: 08.2023. Trên vỉ thuốc có tên và logo công ty Novartis. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người sử dụng, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh không được mua bán thuốc nghi ngờ giả mạo thuốc Ritalin 10mg có đặc điểm nêu trên.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã ban hành Công văn số 1341/SYT-NV về việc thuốc nghi ngờ nhập khẩu/lưu hành trái phép.
Văn bản nêu rõ, theo thông báo từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các thuốc Nexium 20mg và Nexium 40mg bao gồm cả thuốc Nexium có dán tem “Thuốc nhập khẩu song song, số GP: 2765/QLD-KD ngày 27-2-2013, DNNK: Công ty cổ phần Armepharco” là thuốc không được phép nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam, mạo danh doanh nghiệp nhậu khẩu.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh để thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng và người dân biết không buôn bán, sử dụng thuốc nghi ngờ giả mạo, thuốc nghi ngờ nhập khẩu/ lưu hành trái phép. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm tỉnh tiến hành rà soát, báo cáo về Sở Y tế các trường hợp phát hiện thuốc nghi ngờ giả mạo, thuốc nghi ngờ nhập khẩu/ lưu hành trái phép nêu trên.
Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán sản phẩm nghi ngờ là giả nêu trên đề nghị khẩn trương báo cáo về Sở Y tế (qua Thanh tra Sở) để kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc, xuất xứ và xử lý theo quy định hiện hành.
Được biết, thuốc Ritalin có thành phần là methylphenidate, là một loại thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, chủ yếu được sử dụng để điều trị các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em từ 6-12 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn đến 65 tuổi.