4 cách giúp kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường
Người bị bệnh đái tháo đường mắc kèm tăng huyết áp có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến thị lực và tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm. Do đó, tuân thủ một thói quen lành mạnh và một chế độ ăn uống hợp lý là nền tảng để quản lý tốt cả hai bệnh này…
1. Tiêu thụ một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh giúp quản lý huyết áp và đường máu
- Chọn thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt và giàu chất xơ như gạo lứt, ngũ cốc làm từ lúa mì nguyên cám, các loại đậu, rau mầm, kê, trái cây và rau củ.
- Thực phẩm giàu cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, hạn chế những thực phẩm giàu các chất này như: Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, sữa nguyên kem, bơ, pho mát, khoai tây chiên, đồ nướng, bánh ngọt…
- Lựa chọn dầu ăn lành mạnh như dầu o liu, dầu mè…
- Chế độ ăn uống đầy đủ protein giúp cải thiện cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn và duy trì khối lượng cơ nạc. Thêm protein từ các sản phẩm sữa ít chất béo, đậu, các loại đậu, đậu nành và các loại hạt vào chế độ ăn uống của bạn.
- Chuyển sang muối natri thấp hơn hoặc sử dụng ít muối hơn trong nấu ăn. Có thể sử dụng các loại thảo mộc và gia vị khác để tạo hương vị cho thức ăn.
Ngũ cốc nguyên hạt giúp kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường
2. Có chế độ tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm kháng insulin và giúp kiểm soát cân nặng.
Tập thể dục giúp độ nhạy insulin tăng lên, vì vậy các tế bào cơ có thể sử dụng tốt hơn bất kỳ loại insulin có sẵn nào, để hấp thụ glucose trong và sau khi hoạt động. Tập thể dục có thể giúp hạ đường huyết trong thời gian ngắn và khi bạn hoạt động thường xuyên, nó cũng có thể làm giảm mức A1C (A1c là một xét nghiệm để đo mức đường huyết trung bình của một người trong khoảng 3 tháng).
Tập thể dục thường xuyên làm cho trái tim mạnh mẽ hơn. Một trái tim mạnh mẽ hơn có thể bơm nhiều máu hơn với ít nỗ lực hơn. Kết quả là lực tác động lên động mạch giảm đi. Điều này làm giảm huyết áp.
Đảm bảo hoạt động thể chất 150 phút mỗi tuần, bao gồm đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, zumba hoặc bất kỳ hình thức khiêu vũ nào khác...
Tập thể dục có thể giúp hạ huyết áp.
3. Thay đổi thói quen lối sống không lành mạnh bằng những thói quen lành mạnh hơn
Rượu có thể ảnh hưởng đến cả lượng đường trong máu và huyết áp. Nó có thể làm tăng chất béo trung tính và lượng calo không mong muốn. Ngoài ra, bia, rượu vang và các hỗn hợp cocktail khác có chứa carbohydrate và có thể làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, tránh/hạn chế rượu.
Hút thuốc là một mối nguy hiểm sức khỏe liên quan đến việc làm cứng các thành động mạch, khiến bạn có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn. Ngoài ra, hút thuốc làm cho bệnh đái tháo đường trở nên khó kiểm soát hơn. Do đó, hãy bỏ hút thuốc.
4. Theo dõi sức khỏe thường xuyên
- Theo dõi lượng đường trong máu và huyết áp hàng ngày.
- Có sự kết nối, trao đổi với bác sĩ thường xuyên, tái khám đúng hẹn và thực hiện theo các khuyến cáo, tư vấn… của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, để tối ưu hóa chế độ ăn uống và lối sống, giúp kiểm soát đường huyết và huyết áp một cách hiệu quả.
Trịnh Xuân Nguyên
(Theo THS)