• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Viêm dây thần kinh thị giác: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị

Viêm dây thần kinh thị giác là một bệnh lý nghiêm trọng có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

1. Tổng quan bệnh viêm dây thần kinh thị giác

 

1.1. Bệnh viêm dây thần kinh thị giác là gì?

Viêm dây thần kinh thị giác (optic neuritis) là một tình trạng viêm làm mất myelin của dây thần kinh sọ số 2 còn gọi là dây thần kinh thị giác, chịu trách nhiệm truyền tín hiệu từ võng mạc đến não để xử lý hình ảnh. Tình trạng này có thể gây ra làm giảm thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn ở một hoặc cả hai mắt, đau nhức khi vận động mắt, rối loạn sắc giác thậm chí gây mù vĩnh viễn.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh viêm dây thần kinh thị giác

Nguyên nhân gây viêm thần kinh thị giác vẫn chưa xác định rõ ràng, cơ chế bệnh sinh được cho là do phản ứng tự miễn làm tổn thương bao myelin bao quanh các tế bào thần kinh trong dây thần kinh thị giác bao gồm bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis - MS), rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh (Neuromyelitis optica spectrum disorders - NMOSD) và bệnh MOG (Myelin oligodendrocyte glycoprotein-IgG).

Viêm dây thần kinh thị giác: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 1.

Viêm dây thần kinh thị giác (optic neuritis) là một tình trạng viêm làm mất myeli của dây thần kinh sọ số 2 còn gọi là dây thần kinh thị giác.

Nhiễm trùng: Virus như adenovirus, coxackievirus, cytomegalovirus, hepatitis virus, human herpes virus (Epstein – Barr virus), varicella zoster virus… hay sau một đợt nhiễm vi khuẩn (thường là từ 1 -3 tuần) bao gồm syphilis, bệnh Lyme, bệnh mèo cào, lao, …

Viêm thị thần kinh không do nhiễm trùng như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh sarcoidosis, polyarteritis nodosa…

Sau tiêm vaccine: hiếm gặp và thường xảy ra hai bên, xuất hiện sau 1-3 tuần như sau tiêm ngừa lao, viêm gan siêu vi B, quai bị, uốn ván, sởi, rubella, cúm…

Dùng thuốc hoặc tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây viêm dây thần kinh thị giác như tác dụng phụ hiếm gặp.

2. Triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác

Mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn: thị lực có thể bị suy giảm một phần hoặc hoàn toàn ở một mắt hoặc hai mắt, thường xảy ra trong vòng vài ngày và có thể tan dần theo thời gian.

Đau mắt: đau khi chuyển động mắt, đây là triệu chứng phổ biến.

Giảm độ nhạy sáng

Rối loạn sắc giác: thường gặp rối loạn màu sắc hỗn hợp, có thể thay đổi mức độ theo thời gian.

Viêm dây thần kinh thị giác: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 2.

Viêm dây thần kinh thị giác có thể có các triệu chứng như đau mắt, mất thị lực...

3. Viêm dây thần kinh thị giác có lây nhiễm không?

Viêm dây thần kinh thị giác (optic neuritis) không phải là một bệnh lây nhiễm. Nguyên nhân chính của tình trạng này thường liên quan đến bệnh lý tự miễn, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis), hoặc các tình trạng viêm nhiễm khác bên trong cơ thể. Đây là một bệnh lý xuất phát từ sự tấn công nhầm của hệ thống miễn dịch vào dây thần kinh thị giác, không phải do vi khuẩn hoặc virus lây nhiễm trực tiếp gây ra.

Bản thân viêm dây thần kinh thị giác không lây lan giữa người với người, nhưng nếu bệnh viêm dây thần kinh thị giác do nhiễm virus herpes simplex hoặc herpes zoster, syphilis hay trong bệnh Lyme thì có khả năng lây từ người này sang người khác. Chính vì vậy, nếu viêm dây thần kinh thị giác là do nhiễm trùng thì nguyên nhân gốc (ví dụ như virus) có thể lây nhiễm. Nhưng bệnh lý viêm dây thần kinh thị giác không phải là bệnh truyền nhiễm trực tiếp.

4. Cách phòng bệnh viêm dây thần kinh thị giác

Phòng ngừa viêm dây thần kinh thị giác phụ thuộc vào việc giảm nguy cơ mắc các bệnh lý và yếu tố có thể dẫn đến tình trạng này, bởi viêm dây thần kinh thị giác thường liên quan đến các bệnh lý tự miễn và một số nhiễm trùng.

4.1. Kiểm soát bệnh tự miễn

Đa xơ cứng (Multiple Sclerosis - MS) là một trong những nguyên nhân chính gây viêm dây thần kinh thị giác. Nếu bạn bị chẩn đoán mắc bệnh MS, cần tuân thủ điều trị và theo dõi bệnh thường xuyên để kiểm soát tình trạng viêm.

Điều trị sớm và đúng cách các bệnh tự miễn khác như lupus, sarcoidosis để ngăn ngừa tình trạng viêm lan sang dây thần kinh thị giác.

4.2. Bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng

Một số nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm dây thần kinh thị giác như nhiễm herpes, syphilis hoặc lyme. Vì vậy, việc giữ vệ sinh cá nhân và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục là quan trọng.

Tiêm phòng các loại vaccine cần thiết để phòng tránh nhiễm trùng, chẳng hạn như vaccine phòng virus herpes zoster (gây bệnh zona).

4.3. Tránh các chất độc hại

Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với các chất độc có thể gây hại cho hệ thần kinh, bao gồm các chất hóa học độc hại và một số loại thuốc có tác dụng phụ gây viêm dây thần kinh thị giác.

4.4. Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra mắt, có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về thị lực. Nếu có triệu chứng như đau mắt, giảm thị lực, mất cảm nhận màu sắc, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Viêm dây thần kinh thị giác: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 3.

Một số nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm dây thần kinh thị giác như nhiễm herpes, syphilis...

4.5. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ

Duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và hạn chế căng thẳng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tự miễn và viêm nhiễm.

4.6. Theo dõi các triệu chứng sau nhiễm trùng hoặc bệnh lý

Nếu bạn vừa trải qua một đợt nhiễm trùng, đặc biệt là các nhiễm trùng liên quan đến thần kinh, hãy theo dõi sát các triệu chứng thị lực để kịp thời phát hiện các dấu hiệu viêm dây thần kinh thị giác.

Việc phòng ngừa hoàn toàn viêm dây thần kinh thị giác có thể không khả thi, đặc biệt là đối với những trường hợp liên quan đến bệnh lý tự miễn. Tuy nhiên, việc duy trì sức khỏe tổng thể, kiểm soát các bệnh nền và xử lý nhiễm trùng kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này.

5. Cách điều trị viêm dây thần kinh thị giác

Điều trị viêm dây thần kinh thị giác phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Mục tiêu chính của điều trị là giảm viêm, phục hồi thị lực và kiểm soát các nguyên nhân nền nếu có.

5.1. Corticosteroids (thuốc chống viêm mạnh)

Điều trị chính cho viêm dây thần kinh thị giác thường là corticosteroids, dùng để giảm viêm nhanh chóng. Các thuốc này giúp cải thiện triệu chứng và thúc đẩy phục hồi thị lực.

Dạng tiêm tĩnh mạch: Methylprednisolone tiêm tĩnh mạch thường được sử dụng trong trường hợp viêm dây thần kinh thị giác nặng. Liệu pháp này thường kéo dài vài ngày.

Dạng uống: Sau khi tiêm tĩnh mạch, bệnh nhân có thể được kê thêm prednisolone dạng uống trong vài tuần để tiếp tục kiểm soát viêm.

5.2. Điều trị các bệnh lý nền

Đa xơ cứng: viêm dây thần kinh thị giác có thể là dấu hiệu của bệnh đa xơ cứng. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc MS, điều trị lâu dài để kiểm soát bệnh sẽ giúp ngăn ngừa tái phát viêm dây thần kinh thị giác. Các thuốc như interferon, glatiramer acetate hoặc các liệu pháp ức chế miễn dịch khác có thể được sử dụng.

Viêm dây thần kinh thị giác: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 4.

Người mắc bệnh viêm dây thần kinh thị giác nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nhiễm trùng: Nếu viêm dây thần kinh thị giác do nhiễm trùng (ví dụ như virus herpes, syphilis), bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus phù hợp.

5.3. Điều trị triệu chứng

Nếu bệnh nhân gặp vấn đề với thị lực, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp hỗ trợ hoặc thiết bị giúp cải thiện thị lực tạm thời cho đến khi phục hồi.

5.4. Theo dõi và điều trị lâu dài

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể phải tiếp tục được theo dõi thường xuyên để kiểm soát bệnh lý liên quan (như đa xơ cứng) hoặc để ngăn ngừa tái phát viêm.

5.5. Chế độ sinh hoạt và phục hồi

Nghỉ ngơi và giảm căng thẳng: Điều quan trọng là bệnh nhân nên nghỉ ngơi và tránh căng thẳng khi đang trong quá trình điều trị viêm dây thần kinh thị giác. Căng thẳng có thể làm cho triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng chói: Do viêm dây thần kinh thị giác có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh sáng, bệnh nhân có thể cần bảo vệ mắt bằng kính râm hoặc tránh các nguồn ánh sáng mạnh.

Nhiều bệnh nhân sẽ phục hồi thị lực một phần hoặc hoàn toàn sau vài tuần hoặc vài tháng, nhưng cũng có trường hợp bị mất thị lực vĩnh viễn, đặc biệt nếu không được điều trị kịp thời.

Đối với những bệnh nhân có liên quan đến bệnh lý nền như đa xơ cứng, nguy cơ tái phát viêm dây thần kinh thị giác có thể tăng, do đó cần quản lý bệnh lâu dài.

BS.CKII Biện Thị Cẩm Vân

Phó Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ - Thần kinh nhãn khoa, Bệnh viện Mắt TPHCM


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?