• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thoái hóa khớp cổ chân do đâu?

Thoái hóa khớp vùng cổ chân là vấn đề thường hay gặp. Bệnh thường tiến triển chậm khi ở giai đoạn nặng người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng khớp cổ - bàn chân, cảm giác vướng víu khi vận động.

Khớp vùng cổ chân, bàn chân được tạo thành từ nhiều xương tiếp khớp với nhau và được bao quanh, giữ vững bởi một hệ thống các dây chằng và gân cơ.

Đây là khớp tương đối linh hoạt, đóng vai trò quan trọng trong việc đi lại của con người. Bởi vậy khớp vùng cổ chân phải chịu một áp lực lớn từ toàn bộ trọng lượng cơ thể khi ở tư thế đứng.

Ai dễ mắc thoái hóa khớp vùng cổ, bàn chân?

Thoái hóa khớp vùng cổ - bàn chân thường hay gặp ở tuổi ngoài 40 hoặc người từng gặp chấn thương vùng cổ - bàn chân. Bệnh thường tiến triển chậm, ban đầu khó nhận biết do triệu chứng khá mơ hồ.

Nhưng khi bệnh tiến triển nhiều hơn, người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng khớp cổ - bàn chân, cảm giác vướng víu khi vận động. Có thể có biểu hiện cứng khớp buổi sáng khi thức dậy, và đỡ hơn sau một thời gian vận động.

Các cơn đau nhói có thể xảy ra bất chợt hay khi gắng sức, hoặc ấn tay vào vùng khớp bị tổn thương, hoặc bị va đập. Mức độ các cơn đau dao động từ nhẹ đến nặng, tăng trong quá trình vận động và giảm khi nghỉ ngơi.

Thoái hóa khớp cổ chân do đâu?- Ảnh 1.

Tuổi tác và chấn thương là một yếu tố tác động làm thoái hóa khớp cổ chân.

Vì đau nên bệnh nhân sẽ phải giảm biên độ hoạt động của khớp cổ - bàn chân, thời gian dài sẽ dẫn đến teo cơ, cứng khớp thật sự và trong một số trường hợp còn có thể gây biến dạng khớp do bệnh lý tiến triển.

Thoái hóa có thể gây ra các phản ứng viêm như sưng, nóng, đỏ, đau tăng ở khớp cổ chân và bàn chân, hoặc nặng hơn là tràn dịch khớp kéo theo các cơn đau suốt ngày đêm.

Yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp cổ, bàn chân bao gồm:

Di chuyển quá nhiều, làm việc nặng

Việc thường xuyên di chuyển sẽ khiến khớp cọ xát và làm việc nhiều. Quan trọng hơn, việc tăng các đáp ứng viêm tại khớp do quá tải cũng góp phần lớn vào quá trình thoái hóa. Chính vì thế mà lớp sụn dễ bị mòn đi và gây thoái hóa. Yếu tố này thường gặp ở người chơi thể thao thường xuyên, nhất là điền kinh, bóng đá… Những người đứng lâu tại một vị trí cũng dễ bị các bệnh về khớp cổ - bàn chân trong đó có thoái hóa.

Yếu tố thừa cân

Cân nặng dư thừa chèn ép lên cơ quan khớp xương khiến chúng dễ bị quá tải, suy yếu, tổn thương nhanh hơn so với người bình thường. Đặc biệt vùng cổ - bàn chân lại có chức năng nâng đỡ toàn cơ thể khi di chuyển cùng với khớp gối, khớp háng, vì vậy mà quá trình thoái hóa lại càng diễn ra nhanh hơn do sụn khớp bị mài mòn, mất đi, và các đáp ứng viêm do tình trạng quá tải.

Thoái hóa khớp cổ chân do đâu?- Ảnh 2.

Hoạt động quá tải gây ra những vấn đề cho khớp cổ chân.

Yếu tố chấn thương

Chấn thương trong sinh hoạt, thể thao được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp cổ bàn chân. Do các tổn thương gây ra bởi va chạm trực tiếp gây trật khớp, gãy xương phạm khớp, viêm khớp, dù đã được điều trị nhưng vẫn để lại một vài di chứng dẫn đến thoái hóa sau này.

Yếu tố tuổi tác

Khi tuổi càng cao thì đồng nghĩa với khả năng xương khớp thoái hóa càng nặng. Đây chính là lý do tại sao người cao tuổi luôn mắc các bệnh xương khớp, thoái hóa.

Một số bệnh xương khớp khác

Các bệnh mạn tính như viêm đa khớp, viêm khớp dạng thấp, gout cũng được chỉ ra là một trong những yếu tố gây thoái hóa vùng cổ - bàn chân.

Hệ lụy thoái hóa khớp cổ, bàn chân

Bệnh thoái hóa khớp vùng cổ - bàn chân tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại phát sinh nhiều tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động của người bệnh. Bệnh có thể gây ra một số vấn đề sau:

Chèn ép dây thần kinh: Khi sụn khớp mất đi do thoái hóa, hai đầu xương dưới lớp sụn lộ ra sẽ gây đau nhức dữ dội. Đôi khi còn hình thành các gai xương chèn ép dây thần kinh, gân cơ chung quanh, đau lan lên các bộ phận khác trên cơ thể.

Yếu liệt, tàn phế, mất khả năng vận động: Bệnh thoái hóa khớp vùng cổ bàn chân nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời có thể gây teo cơ, biến dạng xương khớp không phục hồi, lâu ngày dẫn đến tình trạng yếu liệt, tàn phế, mất khả năng vận động.

Các biến chứng khác: Biến dạng khớp, trật khớp, dáng đi trở nên bất bình thường, các mảnh vỡ của sụn có thể gây kẹt khớp hoặc tổn thương những bộ phận phần mềm xung quanh.

Lời khuyên bác sĩ

Khi bị chấn thương vùng cổ bàn chân phải nhanh chóng đi điều trị vì không như các khớp gối hay khớp háng, các khớp cổ bàn chân có chỉ định thay khớp rất hạn chế hoặc không thay khớp được. Nếu để khớp cổ bàn chân bị thoái hóa thì khó có thể phục hồi như trước.

Luôn mang giày phù hợp như chạy bộ phải mang giầy vừa vặn với chân, không nên mang quá rộng hay quá chật và không nên mang giầy cao gót hằng ngày để ngón chân, cổ chân được nghỉ ngơi.

Nếu như bị tật bàn chân bẹt, hoặc vòm bàn chân cao thì nên tư vấn điều trị bằng đế chỉnh hình y khoa để ngăn chặn tình trạng thoái hóa. Khi có thoái hóa khớp, cần gặp bác sĩ chuyên về cổ bàn chân để được tư vấn cách điều trị phù hợp.

ThS.BS Nguyễn Xuân Hòa


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?