Nguyên nhân và các loại viêm khớp tự phát ở thiếu niên
Tổn thương xương khớp tuổi thiếu niên là nhóm bệnh rất hay gặp trong đó viêm khớp tự phát tuổi thiếu niên là một trong những nhóm bệnh hay gặp nhất.
Viêm khớp tự phát tuổi thiếu niên được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chưa được rõ ràng, tuy nhiên người ta thống nhất cho rằng bệnh có tính chất tự miễn với tình trạng nhiễm trùng làm khởi động một loạt các quá trình trong hệ thống miễn dịch. Bệnh thường khởi phát sau nhiễm virus, chlamydia mycoplasma, streptococus, salmonella, shigella…
Nguyên nhân và triệu chứng viêm khớp tự phát
Viêm khớp được xác định là: Sưng khớp hoặc có tràn dịch trong khớp. Đau khớp hoặc đau khi vận động, giới hạn vận động khớp, biểu hiện tăng nóng tại khớp.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh hiện chưa xác định được. Nhưng đây là một bệnh tự miễn với đặc trưng ở một gen hoặc một nhóm gen với sự liên quan cả yếu tố môi trường như chấn thương, nhiễm khuẩn, stress. HLA DR 5 và HLA DR 8 gặp ở trẻ gái, tuổi khởi bệnh nhỏ, ở thể viêm ít khớp. HLA DR 4 liên quan với thể viêm đa khớp RF (+). HLA B27 liên quan với thể viêm điểm bám gân khởi bệnh muộn ở trẻ trai.
Khi bị viêm khớp tự phát, bệnh nhân thấy: Đau khớp, sưng khớp do viêm khớp là tiêu chuẩn để chẩn đoán. Số khớp viêm tùy thuộc từng thể lâm sàng theo chẩn đoán của ILAR. Cứng khớp buổi sáng.
Biểu hiện đau khớp ở trẻ nhỏ đôi khi chỉ là trẻ dễ bị kích thích, từ chối việc đi lại hoặc sử dụng chi bị đau, thay đổi về hành vi.
Một số triệu chứng khác như: chán ăn, mệt mỏi, ít hoặc không hoạt động, đau khớp vào ban đêm, chậm lớn.
Các thể bệnh viêm khớp tự phát ở thiếu niên
- Thể bệnh hệ thống (systemic arthritis) hay còn gọi là bệnh Still ở trẻ em.
Triệu chứng chính là sốt cao, nổi ban màu cá hồi ở da và viêm khớp. Bệnh có tỷ lệ mắc ngang bằng giữa nam và nữ với triệu chứng sốt cao có đỉnh lên tới 39- 40 độ, sau đó tự hạ nhiệt về bình thường, mỗi ngày từ 1 đến 2 cơn. Viêm khớp là triệu chứng không nhất thiết phải xuất hiện ngay từ khi mới bị bệnh, thường tổn thương viêm gặp ở vài khớp vừa và lớn trong đó khớp thường gặp nhất là khớp gối (60%), sau đó đến khớp cổ tay và khớp bàn ngón tay (55%), khớp cổ chân (45%).
Các triệu chứng khác như nổi hạch, gan lách có thể to. Ngoài ra có thể gặp viêm các màng như màng tim, màng phổi, màng bụng. Viêm màng ngoài tim với các biểu hiện như đau ngực, khó thở, xuất hiện trong giai đoạn tiến triển của bệnh, có tràn dịch màng ngoài tim. Viêm màng trong tim và viêm cơ tim hiếm gặp hơn.
- Viêm một khớp hay vài khớp (Oligoarthritis):
Đây là thể hay gặp nhất, biểu hiện viêm từ 1 đến 4 khớp trong 6 tháng đầu bị bệnh. Có 25 – 50% trường hợp có biểu hiện ở mắt như viêm màng mạch nho, để lại những di chứng nặng nề ở mắt như viêm dính mống mắt, xơ hóa đục giác mạc, đục nhân mắt…
Tiên lượng bệnh thường tốt nếu chỉ có tổn thương khớp, khi có tổn thương mắt thì tiên lượng kém.
- Viêm nhiều khớp yếu tố dạng thấp âm tính (polyarthritis, RF negative)
Tỷ lệ mắc bệnh gặp nhiều hơn ở nữ (nữ/ nam là 3/1), có thể gặp mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến ở trẻ trên 10 tuổi với biểu hiện viêm từ 5 khớp trở lên trong vòng 6 tháng đầu bị bệnh. Khớp viêm có tính chất đối xứng hay không với các khớp thường gặp như khớp gối, cổ tay, bàn ngón tay, cổ chân… Xét nghiệm yếu tố dạng thấp âm tính. Tiên lượng thường tốt, ít để lại di chứng biến dạng khớp nặng.
- Viêm nhiều khớp yếu tố dạng thấp dương tính (polyarthritis, RF positive)
Triệu chứng: viêm các khớp nhỏ và nhỡ có tính chất đối xứng, cứng khớp buổi sáng. Đôi khi có các biểu hiện ngoài khớp như hạt dưới da, viêm mạch. Xét nghiệm yếu tố dạng thấp dương tính. Nếu không được điều trị đúng cách bệnh dễ để lại di chứng biến dạng và phá hủy khớp nặng.
- Viêm khớp thể viêm nhiều điểm bám tận (enthesitis related arthritis)
Bệnh thường gặp ở trẻ lớn từ 12 – 16 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Biểu hiện gồm viêm nhiều điểm bám tận của gân, dây chằng, bao thanh dịch bám vào xương; viêm khớp thường đơn độc, không đối xứng; hoặc đau cột sống thắt lưng. Các vị trí viêm điểm bám tận thường gặp nhất là điểm bám tận của gân Achille vào xương gót, gai chậu trước trên, điểm bám tận của các cân cơ gan bàn chân.
Triệu chứng viêm khớp chủ yếu ở các khớp ngoại vi như khớp háng, gối, cổ chân hay các khớp nhỏ ở bàn chân thường không đối xứng. Những biểu hiện ở cột sống thường xuất hiện sau khi có biểu hiện viêm các khớp ở chi dưới. Bệnh thường liên quan tới yếu tố HLA B27 hoặc tiền sử gia đình có người thân quan hệ bậc 1 hoặc bậc 2 mắc các bệnh lý liên quan đến HLA B27 dương tính. Tổn thương ngoài khớp thường gặp ở mắt là viêm mống mắt cấp tính với biểu hiện mắt đỏ và đau. Thể này tiến triển nhanh, dễ dẫn đến dính khớp gây tàn phế.
- Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis)
Triệu chứng ngón tay/ chân hình khúc dồi và những tổn thương lõm hoặc bong ở móng tay/chân là những triệu chứng rất gợi ý cho chẩn đoán bệnh. Những tổn thương da của bệnh hay gặp ở da đầu, quanh rốn, kẽ mông là những vùng dễ bị bỏ sót. Tiến triển của thể bệnh này rất đa dạng, có trường hợp những tổn thương khớp rất nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp tổn thương khớp nặng gây dính, biến dạng khớp.
Lời khuyên thầy thuốc
Khi trẻ bị viêm khớp, bác sĩ có thể đưa ra các bài tập vật lý trị liệu để cho các khớp linh hoạt hơn và duy trì biên độ vận động và trương lực cơ. Người chăm sóc trẻ có thể giúp trẻ học các kỹ năng giúp hạn chế ảnh hưởng của khớp viêm. Bao gồm:
Tập thể dục thường xuyên. Chon các bài tập phủ hợp để thúc đẩy cả sức mạnh của cơ và độ linh hoạt của khớp. Chườm lạnh hoặc chườm nóng. Cứng khớp do viêm khớp tự phát thiếu niên thường xảy ra vào buổi sáng. Mặc dù một số trẻ đáp ứng tốt với chườm lạnh, hầu hết các trẻ thích chườm nóng hoặc tắm nước nóng hơn.
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp duy trì cân nặng phù hợp. Lượng can-xi vừa đủ trong khẩu phần ăn rất quan trọng vì trẻ bị viêm khớp tự phát có nguy cơ loãng xương do bệnh, do thuốc corticoid và giảm hoạt động thể chất và tăng cân.
Viêm khớp tự phát thiếu niên là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khớp. Một số dạng viêm khớp tự phát thiếu niên có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như chậm tăng trưởng và viêm màng bồ đào. Điều trị bệnh tập trung vào kiểm soát triệu chứng, cải thiện chức năng và phòng ngừa tổn thương khớp. Nếu con bạn có các triệu chứng sưng, đau khớp hoặc cứng khớp trên 1 tuần, đặc biệt nếu trẻ có sốt, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bs. Hồng Hải