Làm gì nếu con bạn có nguy cơ cao bị nhiễm virus RSV?
Trước thông tin virus hợp bào hô hấp (RSV) lây lan nhanh khi thời tiết chuyển mùa. Ở nhiều cơ sở y tế, bệnh nhân đến khám và chuyển nặng tăng cao, khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Vậy, cần làm gì nếu con mình có nguy cơ bị nhiễm virus RSV. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Đối tượng nào dễ nhiễm virus RSV
Virus RSV hay còn gọi là virus hợp bào hô hấp, có thể lây lan khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh thường gây ra các biểu hiện nhẹ, giống như cảm lạnh và đa số mọi người sẽ phục hồi trong một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, RSV có thể nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.
Ở Hoa Kỳ các ghi nhận cho thấy RSV là nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 1 tuổi. Ở người lớn tuổi RSV cũng là một nguyên nhân gây bệnh hô hấp.
Người ta ghi nhận đối tượng dễ nhiễm RSV thường gặp là trẻ sinh non, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ 6 tháng tuổi trở xuống. Đối với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi bị bệnh phổi và trẻ em dưới 2 tuổi bị bệnh tim mạn tính cũng rất dễ nhiễm RSV.
Riêng đối với trẻ có hệ miễn dịch yếu hay trẻ bị rối loạn thần kinh cơ cũng dễ bị nhiễm RSV.
Giải thích về vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho rằng do RSV có thể lây lan khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Chúng ta có thể bị nhiễm bệnh nếu các giọt bắn do ho hoặc hắt hơi bay vào mắt, mũi hoặc miệng, chạm vào bề mặt có virus, thường thấy nhất là tay nắm cửa, sau đó chạm vào mặt trước khi rửa tay. Ngoài ra, nó có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với virus, như hôn vào mặt trẻ em bị RSV.
Những người bị nhiễm RSV thường truyền nhiễm trong 3 đến 8 ngày. Nhưng ở một số trẻ sơ sinh và những người có hệ miễn dịch yếu có thể tiếp tục truyền virus ngay cả sau khi chúng ngừng xuất hiện các triệu chứng.
Trẻ em là đối tượng thường tiếp xúc và bị nhiễm RSV ở bên ngoài, chẳng hạn như ở trường học, nhà trẻ hoặc khu vui chơi, nơi chăm sóc trẻ em. Hoặc trẻ bị nhiễm virus do người thân trong gia đình trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.