Điều trị ung thư đại tràng như thế nào?
Ung thư đại tràng nếu phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị thành công cao. Giai đoạn ung thư càng muộn thì điều trị càng phức tạp và tiên lượng sống càng giảm...
1. Các phương pháp điều trị ung thư đại tràng
Tùy thuộc giai đoạn ung thư bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị. Thông thường ung thư từ giai đoạn 1-3A có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ các mô và tế bào ở gần.
Nếu ung thư tiến triển sang giai đoạn 3B hoặc 3C cần hóa trị kèm theo phẫu thuật, để ngăn ngừa các tế bào ung thư tấn công các cơ quan khác.
Giai đoạn 4 thì cần điều trị bằng hóa trị hoặc liệu pháp đích.
- Phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng: Phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất trong ung thư, đặc biệt là ở giai đoạn sớm.
Phẫu thuật triệt căn có thể loại bỏ hoàn toàn khối u khi chưa có biểu hiện xâm lấn, di căn. Nếu không thể điều trị triệt căn, phẫu thuật tạm thời vẫn loại bỏ phần lớn các tế bào ác tính, giảm hiện tượng chèn ép do khối u nhằm cải thiện chất lượng sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Chỉ định phẫu thuật triệt căn hay tạm thời, mở rộng và làm sạch tùy vào các yếu tố:
+ Phẫu thuật triệt căn: Là phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi khối u theo nguyên tắc cắt bỏ đoạn ruột mang khối u đảm bảo bờ an toàn của hai đầu ruột cắt, nạo lấy hết các hạch mạc treo vùng, cắt tận gốc các mạch máu nuôi dưỡng. Phẫu thuật này được chỉ định cho các trường hợp:
- Bệnh nhân có thể trạng còn tốt.
- Ung thư ở giai đoạn chưa di căn xa.
- Ung thư còn khu trú ở thành ruột chưa xâm lấn các tạng xung quanh hoặc có xâm lấn nhưng còn khả năng cắt bỏ được.
+ Phẫu thuật mở rộng: Là phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi triệt để, kết hợp cắt bỏ các cơ quan lân cận bị xâm lấn và cắt bỏ một phần hay toàn bộ các cơ quan di căn. Phẫu thuật này được chỉ định cho các trường hợp:
- Thể trạng bệnh nhân cho phép một phẫu thuật lớn.
- Ung thư xâm lấn vào các tạng lân cận hoặc di căn mà còn có thể cắt bỏ được.
+ Phẫu thuật làm sạch: Phẫu thuật cắt đoạn đại tràng trực tràng có khối u với mục đích làm sạch để tránh các biến chứng tắc ruột, nhiễm trùng, vỡ khối u hoặc trong các trường hợp di căn mà không thể lấy được hết.
+ Phẫu thuật tạm thời chỉ định cho các trường hợp:
- Giai đoạn muộn của ung thư.
- Không phẫu thuật triệt để được ở giai đoạn IV.
- Thể trạng bệnh nhân quá kém không thể chịu đựng được cuộc mổ lớn.
Các phương pháp thực hiện:
- Nối tắt đoạn ruột trên với đoạn ruột dưới khối u.
- Đưa ruột trước khối u ra ngoài ổ bụng làm hậu môn nhân tạo.
- Các phẫu thuật chống chỉ định khi:
- Khối u quá lớn, ung thư đã di căn xa, vào các tạng lân cận, tới phúc mạc không có khả năng cắt bỏ.
- Người bệnh già yếu hoặc có các bệnh nặng phối hợp không thể thực hiện được phẫu thuật.
- Xạ trị: Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư mà trong đó sử dụng bức xạ ion hoá năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể chữa khỏi bệnh, kéo dài, điều trị triệu chứng bệnh ung thư.
Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị, phẫu thuật để điều trị ung thư để mang lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh.
Chỉ định xạ trị trong quản lý ung thư đại trực tràng, ống hậu môn:
+ Ung thư đại tràng: Chỉ định xạ trị khi phẫu thuật không thể tiến hành ngay được do u xâm lấn vào cơ quan xung quanh mà không thể cắt bỏ.
+ Ung thư trực tràng: Chỉ định xạ trị khi u lớn, xâm lấn rộng, có hạch di căn cần phải xạ trị... có thể cần phải thực hiện hóa trị và xạ trị đồng thời nhằm làm khối u nhỏ đi, dễ bóc tách trong phẫu thuật. Điều trị giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi, tăng khả năng bảo tồn cơ thắt hậu môn cho người bệnh. Một số trường hợp, xạ trị hoặc hóa xạ trị có thể được tiến hành sau phẫu thuật nhằm giảm nguy cơ tái phát tại chỗ, tại vùng tiểu khung.
+ Ung thư ống hậu môn: Đa số các trường hợp sẽ có chỉ định xạ trị. Trong một số trường hợp xạ trị có thể giúp nhiều bệnh nhân tránh phẫu thuật, bảo tồn ống hậu môn.
- Hóa trị: Là phương pháp sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính trong cơ thể người bệnh. Với những phát minh mới về thuốc, hóa trị ngày càng phát triển, có hiệu quả cao và độc tính của thuốc được giảm thiểu. Hóa trị là một phần quan trọng trong điều trị ung thư đại trực tràng.
- Liệu pháp điều trị đích: Ngày nay, một số loại thuốc điều trị nhắm trúng đích đã được áp dụng để điều trị ung thư đại trực tràng tiến triển. Liệu pháp này liên quan đến cơ chế miễn dịch, sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư.
Rất nhiều thuốc theo cơ chế này đang được nghiên cứu và hứa hẹn sẽ cho kết quả khả quan. Các tế bào ung thư đại trực tràng có thể có các thay đổi gen, khác với tế bào đại trực tràng bình thường nên dễ phát hiện hơn, đó cũng là điều kiện để chỉ định một số thuốc theo cơ chế miễn dịch.
2. Những lưu ý khi điều trị ung thư đại tràng
Những người có yếu tố nguy cơ cao nên tầm soát ung thư đại tràng để được phát hiện và điều trị sớm.
Khi có chỉ định phẫu thuật, trước đó vài ngày, bệnh nhân cần:
- Ăn uống khoa học theo chỉ định của bác sĩ, hoặc chuyên gia dinh dưỡng...
- Trong vòng 12 giờ trước khi tiến hành phẫu thuật, cần nhịn ăn, chỉ được uống nước lọc, nhịn uống nước 2 giờ trước ca mổ.
- Khám tiền mê trước khi mổ vài ngày, bao gồm xét nghiệm nước tiểu, máu, đo nhịp tim, huyết áp.
- Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân vẫn còn yếu nên quá trình chăm sóc trong giai đoạn này rất quan trọng, quyết định tới khả năng phục hồi. Tại bệnh viện người bệnh được nuôi ăn thông qua đường tĩnh mạch hoặc ăn bằng miệng từ thức ăn lỏng tới đặc dần. Thực phẩm tốt nên cho bệnh nhân ăn là trái cây giàu vitamin, chất xơ; rau xanh; thịt giàu protein; uống nước và thuốc đầy đủ.
Tại nhà, sau khi bệnh nhân được ra viện, cần phải uống thuốc đầy đủ đều đặn đúng theo chỉ định. Sau khoảng 2 tuần, người bệnh có thể bắt đầu vận động nhẹ nhàng rồi dần dần mới nâng mức độ. Biện pháp tốt nhất là ngồi thiền, tập vài động tác yoga đơn giản, đi bộ; tránh vận động mạnh, quá sức; bảo đảm ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, giàu chất xơ, uống nước đầy đủ.
Hai ngày sau phẫu thuật không được tắm rửa mà chỉ lau người, thay quần áo. Sau đó bệnh nhân có thể tắm nhẹ nhàng với nước lã, tránh xà phòng, sữa tắm vào vết thương.
Nếu điều trị bằng hóa chất, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như như đầy bụng, buồn nôn, sốt, viêm loét, giảm hồng cầu... cần lưu ý:
- Không nên để bụng quá đói và không nên ăn quá no sau hóa trị.
- Sau khi uống thuốc khoảng 30 phút mới nên ăn.
- Ăn chế độ thanh đạm, hạn chế ăn những loại thực phẩm có nhiều gia vị, nhiều mùi vị.
- Nên ăn cháo, uống nước cam, nước gừng, nước chanh, nước bưởi, sữa chua,..
- Bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều sắt như gan, thịt bò...
- Nên ăn các thực phẩm có tính kháng khuẩn như tía tô, rau diếp cá, tỏi, húng quế, mật ong...
BS. Nguyễn Quốc Cường