• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đau đầu do thay đổi thời tiết: Biểu hiện, điều trị và ngăn ngừa ra sao?

Cơn đau đầu do thay đổi thời tiết có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc của người mắc phải. Vậy phải làm sao để giảm thiểu đau đầu do thay đổi thời tiết?

Các biểu hiện đau đầu do thay đổi thời tiết

Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga - Bộ Quốc Phòng, đau đầu do thay đổi thời tiết là một tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu nguyên nhân thay đổi thời tiết dẫn đến đau đầu. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên do dẫn đến tình trạng này.

Các nhà khoa học cho rằng, các cơn đau đầu có thể xảy ra do sự thay đổi của áp suất khí quyển. Trước khi mưa, bão, áp suất không khí bên ngoài thường giảm xuống, tạo ra sự khác biệt giữa áp suất bên ngoài và bên trong xoang của cơ thể. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các cơn đau đầu khó chịu.

Ngoài ra, BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm cũng có thể gây rối loạn co thắt mạch máu, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu lên não và dẫn đến đau đầu. Biểu hiện đau đầu do thay đổi thời tiết có thể là đau nửa đầu hoặc đau dữ dội, đau vùng hai thái dương, kèm theo các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng, tê bì mặt và hai bên người...

Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Việc này cũng giúp loại trừ các bất thường trên não hoặc mạch máu có thể gặp phải.

Đau đầu do thay đổi thời tiết, phải làm sao? - Ảnh 1.

Đau đầu do thay đổi thời tiết là một tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Điều trị đau đầu do thay đổi thời tiết như thế nào?

BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, thuốc giảm đau paracetamol là loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để giảm thiểu cơn đau đầu. Người bệnh có thể đã sử dụng paracetamol với nhiều loại biệt dược khác nhau, có thể dạng viên hoặc dạng sủi.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian sử dụng, không ít bệnh nhân gặp tình trạng nhờn thuốc, cảm thấy thuốc không phát huy tác dụng hoặc nhanh hết tác dụng và phải đổi thuốc khác, ví dụ như paracetamol kết hợp với codein, cafeine... Điều này có thể gây độc cho gan, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chính vì vậy, BS. Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo người bệnh không nên lạm dụng những loại thuốc này. Ở người lớn, dùng liều 10-15mg/kg cân nặng/lần, không nên dùng quá 4 viên thuốc giảm đau (hàm lượng 500 mg/viên)/ngày. Ngoài paracetamol, có thể dùng các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid khác, ví dụ như ibuprofen, naproxen...

Trường hợp phải sử dụng các thuốc giảm đau kê đơn như triptans, etodolac, oxaprozin, indomethacin... người bệnh cần sử dụng đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc khi chưa có đơn. Một số loại thuốc có thể gây nghiện, vì thế cần dùng đúng chỉ định, đảm bảo an toàn.

Cần làm gì để tăng cường sức khỏe trí não, ngăn ngừa đau đầu do thay đổi thời tiết?

Để giảm thiểu tình trạng đau đầu, BS. Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo người bệnh nên hạn chế đi ra ngoài khi thay đổi thời tiết, sử dụng máy lọc không khí trong nhà. Cùng với đó, cần duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe, như:

  • Ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm, hạn chế thức khuya.
  • Uống nhiều nước, không nên chờ khát mới uống.
  • Tăng cường vận động, hoạt động thể chất đều đặn.
  • Áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất, tránh bỏ bữa.
  • Thực hiện các liệu pháp thư giãn giúp giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc...

Minh Tâm


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?