• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảm lạnh khi nào cần đến bệnh viện?

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra, chủ yếu gây bệnh ở mũi nên khi bị cảm sẽ gây nghẹt mũi hoặc sổ mũi nhiều, hắt hơi,... Tỉ lệ người bị cảm lạnh tăng lên vào lúc thời tiết thay đổi từ mùa khô sang mùa mưa và thời điểm mùa lạnh.

Vậy, cảm lạnh có nguy hiểm không, khi nào cần nhập viện?

Biểu hiện của cảm lạnh, phân biệt cảm lạnh với bệnh khác

Cảm lạnh là tên gọi thông thường của bệnh viêm mũi, viêm mũi họng, viêm họng cấp tính do các virus nhóm Rhinovirus và Enterovirus. Bệnh lây qua đường hô hấp, khi chúng ta hít phải những giọt bắn có chứa virus khi người bệnh ho, hắt xì.

Biểu hiện của cảm lạnh bao gồm các triệu chứng như:

- Ngứa họng,

- Đau rát họng,

- Nghẹt mũi,

- Chảy nước mũi trong,

- Ho,

- Hắt xì,

- Đau đầu,

- Đau mỏi người, ớn lạnh, có thể có sốt nhẹ.

Cảm lạnh khi nào cần đến bệnh viện?- Ảnh 1.

Cảm lạnh là tên gọi thông thường của bệnh viêm mũi, viêm mũi họng, viêm họng cấp tính do các virus nhóm Rhinovirus và Enterovirus.

Các triệu chứng có thể xuất hiện sau 1-3 ngày sau khi bị nhiễm virus. Sốt thông thường sẽ giảm sau 2 hoặc 3 ngày; Đau họng có thể cải thiện sau 5 ngày; Chảy nước mũi, nghẹt mũi đa số hết trong vòng 2 tuần; Ho có thể kéo dài 3 tuần.

Thời gian trung bình của một đợt cảm lạnh thường là 7 đến 9 ngày. Tuy nhiên, có đến 13% có thể kéo dài tới 15 ngày. Thông thường, ho trong bệnh cảnh cảm lạnh kéo dài lâu hơn các triệu chứng khác.

Trên thực tế nhiều người hay nhầm lẫn cảm lạnh và cảm cúm nên để bệnh có diễn biến nặng với mới nhập viện. Thực tế cảm cúm là bệnh do các virus cúm gây ra, có biểu hiện nặng và nhanh hơn cảm lạnh. Cảm cúm thường khởi phát với các triệu chứng dồn dập và diễn tiến nhanh như sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ, đau đầu, mệt mỏi…

Cảm lạnh có nguy hiểm không?

Cảm lạnh thường không nghiêm trọng. Nguy cơ nhiễm vi khuẩn sau đó khoảng 5% đến 10%. Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn như sốt cao liên tục, người bệnh nhất là trẻ nhỏ có vẻ đừ, mệt mỏi nhiều, đau tai, chảy dịch màu vàng từ ống tai, đau đầu (các dấu hiệu của nhiễm trùng xoang) hoặc thở nhanh (thường là dấu hiệu của viêm phổi).

Chẩn đoán nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn cấp tính đòi hỏi các triệu chứng xuất hiện hơn 10 ngày mà không cải thiện. Diễn tiến trở nên tồi tệ hơn khi khởi phát sốt cao hơn 39°C hoặc ho đờm vàng liên tục. Đôi khi vết loét ở họng hay amidan có nhiều mủ cũng gợi ý đến tình trạng nhiễm trùng.

Bởi vì có sự trùng lặp về thời gian của các triệu chứng giữa cảm lạnh kéo dài và tiêu chuẩn chẩn đoán viêm mũi xoang do vi khuẩn, có thể cần chờ thêm để đánh giá lại biểu hiện của bệnh trước khi quyết định dùng kháng sinh. Tuy nhiên, đánh giá của bác sĩ về mức độ nặng khi khám vẫn là quan trọng nhất. Việc dùng kháng sinh vào thời điểm thích hợp không chỉ giúp cải thiện bệnh mà còn hạn chế vấn đề đề kháng thuốc.

Cảm lạnh khi nào cần đến bệnh viện?- Ảnh 2.

Để giảm triệu chứng cảm lạnh có thể dùng một số thực phẩm làm ấm cơ thể như uống trà gừng - mật ong giải cảm…

Cần làm gì khi cảm lạnh?

‎Khi có biểu hiện cảm lạnh có thể tự chăm sóc tại nhà với các biện pháp căn bản như sau:
  • Người bệnh cần thường xuyên súc họng bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%
  • Cần giữ ấm cơ thể nhất là vùng mũi họng, nếu nghẹt mũi có thể xịt mũi bằng nước biển sâu.
  • Có thể dùng paracetamol uống để hạ sốt, giảm đau khi sốt hay đau đầu nhưng chú ý theo đúng hướng dẫn.
  • Có thể dùng các loại siro ho thảo dược để giảm ho, đờm nhớt và đau họng.
  • Nên ăn thức ăn dễ tiêu, ăn thêm trái cây, bổ sung Vitamin C. Có thể dùng một số thực phẩm làm ấm cơ thể như uống trà gừng - mật ong, trà gừng tươi - tía tô, cháo hành - tía tô giải cảm…
  • Nghỉ ngơi tại nhà, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.

Một số triệu chứng cần lưu ý và nên đến gặp bác sĩ

Nếu người bệnh có các biểu hiện sau cần đến gặp bác sĩ ngay:

  • Sốt cao >38,5 độ C, hoặc sốt dai dẳng, sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt
  • Khò khè, khó thở, đau tức ngực
  • Đau đầu nhiều
  • Ho, đau họng kéo dài
  • Các triệu chứng diễn tiến ngày càng trầm trọng hơn.

Hiện nay, việc điều trị cảm lạnh chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ tổng trạng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm, chụp X-quang ngực hoặc siêu âm, nếu nghi ngờ có vấn đề khác đi kèm.

‎Phòng ngừa bệnh cảm lạnh

Bệnh cảm lạnh tuy ít xảy ra biến chứng nguy hiểm nhưng gây nhiều rắc rối cho công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi bệnh cứ dai dẳng không dứt hoặc bị tái đi tái lại, nhất là ở những người có sức đề kháng không tốt.

- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là giữ ấm vùng mũi, hầu họng.

- Nên uống nước ấm thường xuyên để giữ niêm mạc hầu họng không bị khô.

- Súc họng hàng ngày bằng nước muối NaCl 0,9% hoặc các dung dịch sát khuẩn họng.

- Hạn chế tiếp xúc gần (tiếp xúc ở khoảng cách < 2m) với người có biểu hiện bệnh hô hấp như sốt, ho, hắt xì… Mang khẩu trang khi đến nơi công cộng.

- Rửa tay đúng cách và thường xuyên.

- Nếu trong gia đình có người mắc bệnh, thì nên thường xuyên dùng chất sát khuẩn vệ sinh các bề mặt bàn, ghế, các đồ vật trong gia đình… để hạn chế lây bệnh.

- Không sử dụng chung khăn, chén đũa, ly cốc, áo quần… với người bệnh.

- Đối với người đã bị bệnh, cần chú ý che miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy mỗi khi ho, hắt xì. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.

Ngoài ra, cần rèn luyện thể dục thể thao, ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ để nâng cao sức khỏe.

BS. Trần Quang Đại


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?