• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh viêm phế quản cấp có nguy hiểm không?

Viêm phế quản cấp là một bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp. Tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Viêm phế quản cấp là gì?

Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm khí phế quản phần lớn là do virus gây ra như Adenovirus, Corona virus, hoặc một số vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma pneumonia, Chlamydia pneumoniae. Một số virus cúm A, B cũng là nguyên nhân hay gặp gây bệnh viêm phế quản cấp. 

Viêm đường phế quản cấp thường lây qua đường hô hấp thông qua giọt bắn, dịch tiết (nước mũi, đờm…) của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện… sau đó người lành hít phải hoặc chạm vào rồi đưa tay lên mũi, miệng. 

Biểu hiện của bệnh viêm phế quản cấp

Dấu hiệu của viêm phế quản cấp thường không khó để nhận biết. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu, người bệnh thường thấy các dấu hiệu nhẹ nên không điều trị sớm. Người mắc viêm phế quản cấp có thể có một số triệu chứng như:

Ho: ho khan hoặc ho có đờm

- Một số triệu chứng toàn thân: sốt, mệt mỏi, ăn kém…

- Một số trường hợp có thể có biểu hiện viêm đường hô hấp trên như sổ mũi, chảy nước mũi, đôi khi có thể có khó thở, khò khè.

Các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng và thăm khám để đưa ra chỉ định một số xét nghiệm khác nhau. 

Viêm phế quản cấp có nguy hiểm không? 

Nếu không điều trị kịp thời, viêm phế quản cấp có thể dẫn tới các biến chứng như viêm phổi, giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính thậm chí là có thể dẫn tới tình trạng suy hô hấp gây tử vong. 

Vì vậy, người bệnh cần lưu ý khi có các biểu hiện như ho kéo dài trên 5 ngày không thuyên giảm, sốt cao (từ 38.5 độ trở lên) một số trường hợp có triệu chứng khó thở… thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Tại đây các bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị, trong trường hợp cần thiết bệnh nhân có thể sẽ phải nhập viện để điều trị. 

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân điều trị sai cách do các biểu hiện viêm đường hô hấp thường giống nhau, mức độ bệnh khác nhau. Dẫn tới tình trạng bệnh nhân tự ý mua thuốc không kê đơn tại các hiệu thuốc trong đó có các thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, điều này rất dễ gây ra kháng thuốc và làm bệnh kéo dài, dẫn tới các biến chứng nặng nề. 

Do viêm phế quản cấp phần lớn là do virus gây ra. Vì vậy trong điều trị cũng chỉ cần dùng các thuốc long đờm hoặc vitamin, không cần điều trị kháng sinh.

Khi bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn như sốt, ho đờm mủ xanh, vàng hoặc qua xét nghiệm phát hiện tình trạng nhiễm khuẩn thì có thể sử dụng kháng sinh, thuốc hạ sốt… 

Bệnh viêm phế quản cấp có nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Nếu ho kéo dài trên 5 ngày hoặc sốt cao không có triệu chứng thuyên giảm, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.

Cách đề phòng viêm phế quản cấp

Để phòng ngừa viêm phế quản cấp, mọi người cần lưu ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Thường xuyên tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể. 

Mặc dù hiện nay bệnh COVID-19 đã được chuyển sang các bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tuy nhiên mọi người vẫn cần lưu ý đảm bảo chế độ 2K: khẩu trang và khử khuẩn. Hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu nhiễm bệnh, nghi ngờ nhiễm bệnh. 

Bên cạnh đó, người dân nên tiêm phòng cúm hàng năm để phòng một số chủng virus cúm hay gặp

Khi sử dụng điều hòa trong thời tiết nắng nóng, mọi người cần lưu ý không để nhiệt độ chênh lệch quá cao giữa môi trường bên ngoài và trong phòng điều hòa để hạn chế các bệnh về đường hô hấp.

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng

Trưởng khoa Hô hấp - Dị ứng - Bệnh viện Hữu nghị


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?