• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Truyền dịch tại nhà - những hệ lụy khôn lường

Khi thời tiết nắng nóng quá mức, nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi bị mệt mỏi, ăn không ngon miệng. Nhiều gia đình lựa chọn biện pháp truyền dịch, truyền nước hoa quả tại nhà để bổ sung dinh dưỡng. Nhưng thực tế lâm sàng có không ít ca gặp biến chứng rất nguy hiểm…

Cấp cứu sau khi truyền dịch

Cụ Ng.T.H. (80 tuổi, Mễ Trì - Hà Nội) cứ hè đến là bị đi tiểu dắt, tiểu buốt. Trước đây cụ chỉ cần đun lá rau mã đề sao khô lên rồi uống là đỡ. Năm nay cụ vẫn đun nước lá để uống nhưng không hết tiểu buốt, tiểu rắt. Con của cụ đã đưa đi khám tiết niệu nhưng không có gì bất thường. Bác sĩ khuyên cụ về nhà uống nhiều nước. Thế nhưng cụ hay quên, lại chẳng thấy khát nên lượng nước uống vẫn ít. Vì thế con của cụ quyết định mua dịch truyền về rồi gọi điều dưỡng đến truyền. 2 ngày đầu mỗi ngày truyền 2 chai dịch, cụ H. thấy đỡ hẳn tiểu buốt, tiểu rắt. Nhưng đến ngày thứ 3, mới truyền được ½ chai, cụ H. cảm thấy mệt, khó thở, lạnh, phù… nên phải đi cấp cứu.

Trường hợp chị Tr.T.T. (Cầu Giấy, Hà Nội), lại khác. Suốt từ khi vào hè, chị đã không ăn được mà áp lực công việc lại lớn, nên chị bị suy nhược, mệt mỏi. Mệt mỏi kéo dài còn khiến da của chị sạm đen và khô nhăn nhiều. Do đó chị T. đã mua chai nước hoa quả về và gọi điều dưỡng đến truyền tại nhà, vừa bổ sung dinh dưỡng, vừa muốn cải thiện làn da. Nhưng mới truyền được 2/3 chai, chị T. cảm thấy lạnh, buồn nôn, chân tay co cứng… Điều dưỡng vội rút dịch truyền và đưa chị T. đi cấp cứu.

Cả hai trường hợp trên đã được Trung tâm bác sĩ gia đình Hà Nội sơ cứu thành công, rồi chuyển tiếp đến bệnh viện tuyến trên. Sau 3 ngày theo dõi tại bệnh viện cả hai đều đã được về nhà.

Truyền dịch tại nhà khi thời tiết nóng bức những hệ lụy khôn lường - Ảnh 1.

Truyền dịch tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Vì sao truyền dịch tại nhà lại nguy hiểm?

BS.Hoàng Thị Cúc, Trung tâm bác sĩ gia đình Hà Nội, cho biết: Dịch truyền có nhiều loại, mỗi loại lại có các thành phần, hoạt chất và nồng độ khác nhau nhằm sử dụng cho từng trường hợp bệnh khác nhau. Cụ thể:

- Dịch truyền bù nước và điện giải như ringer lactate, NaCl, bicarbonate dùng cho trường hợp mất nước, bỏng, tiêu chảy.

- Dịch truyền bổ sung dinh dưỡng như glucose 5%/10%, glucid, lipid, acid amin, chỉ định cho bệnh nhân sau mổ, suy dinh dưỡng và không thể ăn qua đường tiêu hóa.

- Dịch truyền có các chất protein như albumin, dextran, chỉ định cho bệnh nhân thiếu albumin trong các bệnh lý gan…

BS.Hoàng Thị Cúc chia sẻ: Thực tế, các loại dịch truyền mà nhiều bệnh nhân thích sử dụng và thường truyền tại nhà là dung dịch ringer lactate, dịch truyền bổ sung dinh dưỡng (mà người dân thường gọi là truyền đạm hoa quả). Nhưng dù là dịch truyền loại nào cũng cần có chỉ định của bác sĩ. Tùy theo thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ quyết định có nên truyền dịch hay không, truyền loại dịch nào là phù hợp. Trong quá trình truyền dịch có nguy cơ xảy ra các biến chứng như hai trường hợp nêu trên, do đó cần phải thực hiện tại cơ sở y tế. Các biến chứng có thể xảy ra khi truyền dịch bao gồm:

- Sưng phù, thậm chí có thể viêm loét tại chỗ do kỹ thuật lấy ven.

- Rối loạn điện giải, sốc dẫn đến phù toàn thân. Thậm chí có trường hợp tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim, tăng huyết áp đột ngột (đặc biệt là bệnh nhân đang mắc bệnh huyết áp, tim mạch).

Nếu tình huống này xảy ra tại nhà, nơi không có đủ phương tiện cấp cứu thì bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Khi tự ý truyền dịch tại nhà mà chưa có chỉ định của bác sĩ, có thể xảy ra các tình huống: Bệnh nhân thiếu điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng và có nguy cơ phù não do máu bị loãng. Hoặc trường hợp đang thừa natri mà truyền muối quá nhiều có nguy cơ teo não…

Đặc biệt, với các bệnh nhân mắc các bệnh lý sau đây lại càng dễ bị sốc khi truyền dịch:

- Bệnh nhân suy tim: Do tim đã bị suy, mà trong quá trình truyền dịch tim lại phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dễ dẫn đến nguy cơ ứ nước ở phổi, gây phù phổi, khiến tình trạng suy tim cấp nặng lên dẫn đến trụy tim có nguy cơ tử vong rất cao.

- Bệnh nhân suy thận: Khi bị suy thận thì độ lọc thận đã bị giảm, nếu truyền dịch thì thận sẽ không chịu nổi áp lực khi lượng nước đưa vào quá nhiều, dẫn đến ứ nước tại thận, gây phù nề…

Truyền dịch tại nhà khi thời tiết nóng bức những hệ lụy khôn lường - Ảnh 3.

Chỉ truyền dịch trong các trường hợp cấp cứu hoặc sau khi có sự đánh giá và chỉ định của bác sĩ.

Khi nào cơ thể cần truyền dịch?

Theo BS.Hoàng Thị Cúc, dịch truyền là dung dịch rất cần thiết và có thể cứu sống bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp. Chẳng hạn như trường hợp tiêu chảy cấp, nôn nhiều, mất nước mất điện giải; trường hợp mất máu; trước khi phẫu thuật. Còn các trường hợp khác, thì cần được khám, xét nghiệm máu để đánh giá các chỉ số: Muối, đường, chất điện giải... nếu bị giảm thì mới phải bù đắp bằng đường truyền để lấy lại sự cân bằng. Trước khi truyền, bác sĩ sẽ tính toán lượng bù thích hợp và kiểm soát được lượng nước và các chất đưa vào cơ thể không ít hơn và cũng không nhiều hơn lượng mất đi.

Do đó, không phải cứ mệt mỏi, chán ăn là truyền dịch. Cách bổ sung nước tốt nhất là bằng đường uống nước lọc, nước hoa quả, thức ăn loãng như súp, canh…. Với trường hợp bị mất nước nhưng vẫn còn khả năng ăn uống thì việc uống nước trực tiếp vẫn hiệu quả hơn ăn. Khi uống một bát canh, sẽ nhanh hơn nhưng lại hiệu quả tương đương truyền một chai muối 0,9%. Uống một 1 ly nước hoa quả hiệu quả tương đương truyền chai glucose 5%.

Nguyễn Hà


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?