• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những bệnh viêm đường hô hấp dưới thường gặp

Viêm đường hô hấp dưới có thể gặp ở bất cứ ai, song phổ biến nhất là trẻ em, người cao tuổi và người có sức đề kháng kém. Tác nhân gây bệnh phổ biến là vi khuẩn, ngoài ra cũng có thể do virus xâm nhập vào đường thở từ môi trường sống hoặc từ người bệnh khác.

Tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp dưới

Đường hô hấp gồm nhiều cơ quan có vai trò khác nhau, bất cứ tổn thương hoặc bệnh lý xảy ra ở cơ quan nào cũng gây ảnh hưởng nhất định đến chức năng hô hấp. Đường hô hấp dưới bao gồm các cơ quan từ thanh quản trở xuống, cụ thể gồm: Khí quản, phế quản, phế nang, tiểu phế quản… Những bệnh lý này thường gây triệu chứng nặng, ảnh hưởng đến đường thở, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện và can thiệp sớm.

Viêm đường hô hấp dưới có thể gặp ở bất cứ ai, song phổ biến nhất là ở trẻ em, người cao tuổi và người có sức đề kháng kém. Tác nhân gây bệnh phổ biến là vi khuẩn, ngoài ra cũng có thể do virus xâm nhập vào đường thở từ môi trường sống hoặc từ người bệnh khác.

Vi khuẩn điển hình gây bệnh bao gồm: Phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae, Haemophilus Influenzae, Moraxella Catarrhalis… Ngoài ra, có thể do các loại nấm như Chlamydia, Mycoplasma… nhưng không điển hình và không thường gặp.

Virus gây bệnh viêm đường hô hấp dưới thường gặp như: Virus cúm A và B, các virus á cúm, Adenovirus, Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp…

Các yếu tố nguy cơ gây viêm đường hô hấp dưới bao gồm vi sinh vật, ở một số trường hợp các yếu tố môi trường xung quanh có thể kích thích, gây viêm đường thở hoặc viêm phổi. Ngày nay, do phát triển nhiều nhà máy, khói bụi công nghiệp, khói thuốc lá… nên tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới trở nên gia tăng hơn.

Viêm đường hô hấp dưới dễ xảy ra ở các đối tượng có sức khỏe đặc biệt như: Trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, vừa mắc bệnh cúm hoặc cảm, vừa thực hiện phẫu thuật…

Một số bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp dưới - Ảnh 2.

Virus gây bệnh viêm đường hô hấp dưới thường gặp như: Virus cúm A và B, Adenovirus, Rhinovirus...

Một số bệnh viêm đường hô hấp dưới thường gặp

- Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc của đường dẫn khí dẫn đến phổi (khí quản và phế quản). Bệnh gồm hai thể là cấp tính và mạn tính.

Khi mắc viêm phế quản các biểu hiện thường gặp là ho. Đây là triệu chứng nổi bật của bệnh viêm phế quản. Bệnh nhân có thể có biểu hiện ho có đờm, ho khan hoặc ho thành từng tiếng. Đờm của người bệnh có thể có màu vàng, màu xanh hoặc trắng.

Người bệnh viêm phế quản có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt liên tục kéo dài hoặc sốt theo cơn.

Viêm phế quản có biểu hiện thở khò khè, ngoài ra còn có một số triệu chứng khác mà bệnh nhân cũng cần lưu ý gồm: Khó thở, thở nhanh hơn bình thường…

Viêm phế quản cấp tính là thường gặp nhất, thường chỉ kéo dài trong vài tuần nếu được điều trị tốt.

Nhưng nếu không điều trị tốt, viêm phế quản cấp tính có thể kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, dẫn tới mãn tính và nguy cơ biến chứng nặng cũng cao hơn.

- Viêm phổi

Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhập viện và tử vong ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Đây là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng.

Thông thường, có nhiều tác nhân gây ra tình trạng viêm phổi, nhưng thường là do vi khuẩn, virus và nấm.

Các biểu hiện bệnh viêm phổi khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh, các yếu tố cũng như loại vi khuẩn gây viêm phổi. Các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ thường tương tự như cảm lạnh hoặc cúm, nhưng chúng kéo dài hơn.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể bao gồm: Đau ngực khi bạn thở hoặc ho; Ho, ho có đờm; Mệt mỏi; Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh; Ở người già hoặc người suy giảm miễn dịch có thể không sốt; Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy; Khó thở; Người già có thể lú lẫn… Tuy nhiên, viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo viêm phổi.

Thực tế cho thấy viêm phổi là bệnh lý dễ chuyển biến xấu và tiên lượng nặng khi xảy ra các biến chứng. Thời tiết thất thường khiến nhiều người lớn, người cao tuổi mắc viêm phổi nặng do phế cầu khuẩn, dẫn đến suy hô hấp phải cấp cứu, quá trình điều trị kéo dài và rất tốn kém.

Vì vậy, viêm phổi là bệnh viêm đường hô hấp dưới nặng, cần điều trị và theo dõi y tế nghiêm túc. Đặc biệt, viêm phổi ở trẻ nhỏ có thể nguy hiểm đến tính mạng, nên không được chủ quan.

Một số bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp dưới - Ảnh 4.

Viêm đường hô hấp dưới thường gặp nhất là ở trẻ em, người cao tuổi và người có sức đề kháng kém. Ảnh minh hoạ.

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các cuống phổi nhỏ, hay còn gọi là các tiểu phế quản. Đây là bệnh phổ biến ở trẻ em với phổi bị nhiễm khuẩn do virus. Bệnh viêm tiểu phế quản làm cho trẻ thở khò khè, khó thở, ho và kèm theo rối loạn ăn uống. Do đó, trẻ sẽ bị khó thở, thở khò khè và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu oxy để thở.

Các trường hợp viêm tiểu phế quản chủ yếu là do virus RSV gây ra. Loại virus này thường lây nhiễm ở trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi.

Phần lớn các trường hợp viêm tiểu phế quản có thể được kiểm soát tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cần uống đủ nước, tránh bị mất nước. Nếu bị nghẹt mũi hãy dùng dụng cụ để hút sạch chất nhầy hoặc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.

Hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng và kê đơn thuốc, không được tự ý mua thuốc vì tác nhân gây viêm tiểu phế quản là virus, nên các kháng sinh không cho hiệu quả, thậm chí còn có thể gây hệ lụy.

Lời khuyên thầy thuốc

Viêm đường hô hấp dưới thể nhẹ cũng có thể tự cải thiện trong khoảng từ 7 - 10 ngày, nhưng không ít trường hợp bệnh diễn tiến nặng, dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, khi có biểu hiện viêm đường hô hấp dưới người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh những việc quá sức khiến cơ thể mệt mỏi; Bù nước cho cơ thể, tránh mất nước cũng như giúp đờm trong phổi loãng hơn, người bệnh dễ khạc nhổ; Bỏ thói quen hút thuốc lá…

BS Nguyễn Thị Bích


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?