Ngộ độc, tổn thương não do sưởi ấm bằng than trong phòng kín
Đốt than hoa sưởi ấm trong nhà vào ban đêm và đóng cửa đi ngủ, cả gia đình 4 người ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh phải nhập viện cấp cứu.
Cả nhà 4 người ngộ độc khí CO do đốt than hoa sưởi ấm trong nhà
Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa tiếp nhận 4 bệnh nhân trong 1 gia đình (trong đó có 1 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh), trú tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhập viện với tình trạng khó thở, ý thức lơ mơ, nôn mửa do đốt than hoa sưởi ấm trong nhà vào ban đêm và đóng cửa đi ngủ.
Ngay khi tiếp nhận, các bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc để điều trị hồi sức tích cực, thở oxy dòng cao. Hiện tại, cả 4 bệnh nhân đều tỉnh táo và đang được theo dõi tiếp.
Nguy cơ ngộ độc, tổn thương não do sưởi ấm bằng than trong phòng kín
Khi đốt các nhiên liệu chứa các-bon như củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu,… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 ít ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO lại là khí rất độc. Khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.
Trong môi trường kín chứa nhiều khí CO tới mức gây độc, thường những người hít phải đều có khả năng ngộ độc, vì thế hầu hết đều có triệu chứng gần như nhau:
- Dấu hiệu đầu tiên thường là: đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhìn mờ, có thể có rối loạn hành vi, khó tập trung, kích thích, hưng cảm. Ở giai đoạn này nếu bệnh nhân được tách khỏi nguồn CO thì các triệu chứng có thể cải thiện sớm.
- Ở giai đoạn nặng trong trường hợp ngộ độc nhiều (nồng độ CO trong máu thường trên 30%), phát hiện muộn hoặc nhiễm độc ở người già có bệnh mạn tính như bệnh tim hoặc bệnh phổi mạn tính, hoặc phụ nữ mang thai do thai nhi nhạy cảm đặc biệt với khí CO. Lúc này thường thì người bệnh đã có tổn thương não, tổn thương tim và cơ.
- Bệnh nhân có thể ngất, co giật, biểu hiện một số dấu hiệu ngoại tháp như run tay chân hay rối loạn trương lực cơ, nhìn mờ, hôn mê. Tình trạng hôn mê có thể cải thiện nhanh chóng nhưng cũng có thể để lại di chứng nặng nề ở khoảng từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 40 sau khi tiếp xúc, thậm chí tử vong.
- Bệnh nhân trên 30 tuổi tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng. Hôn mê, trạng thái thực vật kéo dài, rối loạn nhận thức. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp di chứng kín đáo: tâm thần kinh, giảm trí nhớ, tập trung, rối loạn cảm xúc, có thể tới 47%.
Theo những số liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, kể cả những trường hợp nhẹ nhất trong những trường hợp người bị ngộ độc khí CO, có tới khoảng gần 50% sẽ gặp những biến chứng về sức khỏe tâm thần, thần kinh, tổn thương não sau này. Nhẹ nhất có thể là suy giảm trí nhớ các mức độ khác nhau, thậm chí có thể là hôn mê, hoặc mất trí nhớ hoàn toàn.
Để phòng ngộ độc, tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas,… để trong không gian kín. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì không được sử dụng trong phòng kín, nên để mở cửa thoáng để có lưu thông khí đầy đủ. Tốt nhất là chọn phương pháp khác để sưởi ấm.
Cần sử dụng các thiết bị sưởi ấm theo khuyến cáo và đảm bảo các điều kiện thông gió an toàn. Định kỳ hàng năm kiểm tra tất cả các thiết bị khí đốt, đảm bảo các thiết bị gas và lò sưởi trong tình trạng tốt.
Thực hiện nghiêm túc hướng dẫn, khuyến cáo về an toàn phòng cháy chữa cháy trong sử dụng máy phát điện.
Không sử dụng các phương tiện, thiết bị sử dụng động cơ đốt trong (chạy máy phát điện, chạy phát ô tô, xe máy) tại không gian kín, như tầng hầm hoặc nhà để xe.
Có biện pháp kiểm tra nồng độ khí độc trước khi xuống các khu vực giếng sâu, hầm lò.
Nếu phát hiện người bị ngạt khí cần mở rộng cửa để làm thoáng khí, trường hợp bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh, hoặc tim phổi không còn thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo hoặc ép tim (cấp cứu ngừng tuần hoàn) sau đó đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Tại các bệnh viện, bệnh nhân sẽ được cấp cứu điều trị tiếp.
BS Nguyễn Mai Thảo