Đua nhau mua thuốc bổ phòng hậu Covid, bác sĩ khuyến cáo nguy hiểm khi thừa vitamin
Sau khi hết là F0, nhiều người đã lo lắng vấn đề hậu Covid-19 nên đã đua nhau mua các loại thuốc bổ (thành phần vitamin, chất khoáng, axit amin…) với mong muốn cải thiện tình trạng hậu Covid-19 tuy nhiên việc dư thừa vitamin cũng vô cùng nguy hiểm.
Khi con gái mắc Covid-19, Chị T.T.H (30 tuổi, Hoàn Long, Yên Mỹ) không quá lo lắng về các triệu chứng bệnh của con như ho, sốt... Tuy nhiên, điều chị lo hơn là vấn đề hậu Covid. Vì vậy chị bắt đầu mua hàng loạt các loại thuốc, thực phẩm chức năng để ngăn ngừa hậu Covid-19. Cụ thể, chị H. mua thuốc bổ phổi, tổ yến, đông trùng hạ thảo, viên nang bổ sung vitamin và khoáng chất... cho cả nhà với số tiền 3,5 triệu đồng.
Cùng cảnh, chị V.T.M (An Tảo, TP Hưng Yên) cũng mắc Covid-19 với các triệu chứng khá nhẹ. Nhưng sau khi khỏi bệnh, chị M. thường xuyên có biểu hiện ho, tức ngực. Nghe theo lời chỉ dẫn trên mạng xã hội, chị M. mua 2 loại thải độc, thanh lọc và bổ phổi để sử dụng.
Chị M. cho biết: “Tôi mua 2 hộp có giá gần 1 triệu đồng, hàng nhập khẩu nên khá tin tưởng. Người bán cũng tư vấn, thuốc có tác dụng bổ sung các chất tốt cho phổi, có tác dụng từ từ"”.
Nói về vấn đề này, BS Phạm Thị Phương - Trưởng khoa Dinh dưỡng – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, Covid-19 là bệnh do virus gây ra, lây lan rất nhanh. Những người khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt sẽ ít bị lây nhiễm hơn và nếu có nhiễm virus thì biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn, nhanh hồi phục hơn những người có sức khỏe yếu, sức đề kháng kém.
Việc lựa chọn thực phẩm có các chất dinh dưỡng phù hợp, tỷ lệ cân đối giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tạo nhiều yếu tố miễn dịch để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể con người với virus gây bệnh có vai trò quan trọng trong dự phòng và điều trị Covid-19.
Tuy vậy, hiện đang có tình trạng tràn lan thông tin thiếu khoa học về việc sử dụng các loại “thuốc bổ” - các loại vitamin và vi chất, để điều trị trước và sau khi mắc Covid-19.
“Về nguyên tắc, các chất này nếu sử dụng hợp lý sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Ngược lại, nếu lạm dụng với liều lượng lớn thì có nguy cơ gây hại cho cơ thể rất cao. Vì vậy, không thể sử dụng các loại thuốc bổ này thoải mái theo kiểu “không bổ ngang thì cũng bổ dọc”, BS Phương chia sẻ.
Theo tài liệu Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng Covid-19 của Hội tiết chế dinh dưỡng Việt Nam, dinh dưỡng trong phòng chống Covid-19 chính là dinh dưỡng hợp lý theo nguyên tắc cho từng đối tượng (theo lứa tuổi, theo bệnh mạn tính hiện đang mắc). Chế độ ăn cân đối, hợp lý là quan trọng nhất, ăn đa dạng thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch chứ không có một loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng phòng ngừa Covid-19.
Trong đó, tăng cường các vi chất, đa vi chất quan trọng giúp cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch như Omega 3 (acid béo không no thiết yếu); vitamin A, vitamin C, vitamin D… tốt nhất bằng con đường tự nhiên qua thực phẩm hằng ngày. BS Phương cũng đưa ra cách bổ sung hợp lý các loại vitamin như sau:
Vitamin A và Beta-caroten: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng trong việc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh. Do vitamin A hòa tan trong chất béo, việc thải lượng dư thừa đã hấp thụ vào từ ăn uống khó hơn so với các vitamin hòa tan trong nước. Dùng liều cao kéo dài có thể dẫn tới ngộ độc vitamin A.
Điều đó có thể gây buồn nôn, vàng da, dị ứng, chứng biếng ăn, nôn, nhìn mờ, đau đầu, tổn thương cơ, uể oải và thay đổi tính tình. Ngộ độc cấp tính xảy ra ở liều 25.000 IU/kg và ngộ độc kinh niên diễn ra ở 4.000 IU/kg mỗi ngày trong thời gian 6-15 tháng. Trong các trường hợp kinh niên, rụng tóc, khô màng nhầy, sốt, mệt mỏi, giảm cân, gãy xương, thiếu máu và tiêu chảy có thể là các triệu chứng hàng đầu gắn liền với ngộ độc ít nghiêm trọng. Để biết liều lượng phù hợp với từng đối tượng cần tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Vitamin C: Vitamin C hỗ trợ chức năng tế bào cho hệ thống đáp ứng miễn dịch, chức năng hàng rào nội mạc chống lại yếu tố gây bệnh, tăng cường hoạt động dọn dẹp chất gây oxy hóa bảo vệ cơ thể. Nếu cơ thể dư thừa vitamin C có thể gây ra tiêu chảy, trướng bụng, đầy hơi, đau dạy dày, gây sỏi thận. Những bệnh nhân bị thừa sắt khi sử dụng nhiều vitamin C còn làm tăng hấp thu sắt, dẫn đến thâm nhiễm, tổn thương các cơ quan, đặc biệt là gan. Nhu cầu vitamin C cần thiết cho các đối tượng như trẻ từ 1-6 tuổi là 30 mg/ngày, trẻ từ 7-9 là 35 mg/ngày, tuổi vị thành niên 10-18 tuổi là 65 mg/ngày và người trưởng thành là 70 mg/ngày
Vitamin D: Để bổ sung vitamin D, da cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 15- 30 phút mỗi ngày, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)...
Khi sử dụng vitamin D liều cao, kéo dài sẽ dẫn đến nhiễm độc do thừa vitamin D, làm tăng canxi máu và dẫn đến hàng loạt triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, khô miệng, chuột rút, táo bón, buồn nôn, đau cơ, đau xương, mạch máu bị vôi hóa. Nhiều trường hợp còn gây tổn thương thận, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, trẻ bị châm lớn, dị tật bào thai, khó thở, co giật, giảm khả năng tình dục... Do đó, cần uống đúng theo liều lượng quy định. Đối với trẻ em còn bú, phụ nữ có thai và cho con bú là 500 IU/ngày. Ở người trưởng thành là 100 IU/ngày.
Omega 3: là 1 loại acid béo thiết yếu cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò quan trọng trong chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Omega 3 có nhiều trong các sản phẩm: dầu cá, dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt... Tuy nhiên, nếu dùng quá liều có thể gây một số tác dụng không mong muốn như hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa, tăng đường huyết, mất ngủ và đặc biệt gây ngộ độc. Liều phù hợp với người trưởng thành (trên 16 tuổi) là phụ nữ cần 1.100 mg/ngày, nam giới cần 1.600 mg/ngày.