• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo biến chủng Omicron đối với trẻ em

Từ trước đến nay, các biến chủng SARS-CoV-2 gần như ít ảnh hưởng lớn đến trẻ em. Nhưng có vẻ điều này đang thay đổi với biến chủng Omicron ở Nam Phi. Dữ liệu từ một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Omicron ở Nam Phi cho thấy số ca nhập viện ở trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi cao bất thường, đang làm dấy lên lo ngại rằng biến thể này có thể gây rủi ro cho trẻ nhỏ.

 

Tại một cuộc họp trực tuyến, cố vấn y tế Waasila Jassat của Chính phủ Nam Phi nói về tỉnh Gauteng, khu vực đang bị Omicron tấn công nặng nề nhất. “Rõ ràng ở Gauteng, chúng tôi thấy số ca mắc và nhập viện mỗi tuần đang cao hơn trước đây. Chúng tôi thấy số bệnh nhân nhập viện tăng trên khắp các nhóm tuổi, nhưng đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi”, bà Jassat cho biết: “Số trẻ dưới 5 tuổi phải nhập viện đang ở mức cao thứ hai, chỉ sau nhóm trên 60 tuổi. Chúng tôi đang nhìn thấy xu hướng này, khác với tình hình trong các đợt dịch trước”, bà nói.

“Giai đoạn đầu, chúng tôi thấy trẻ em không bị Covid-19 ảnh hưởng nhiều lắm, không nhiều trẻ phải nhập viện. Trong làn sóng thứ ba, chúng tôi thấy nhiều trẻ dưới 5 tuổi và thiếu niên từ 15-19 tuổi phải nhập viện. Nhưng nay, khi bắt đầu làn sóng thứ tư, chúng tôi thấy số lượng người nhập viện tăng mạnh ở các nhóm tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi”, bà cho biết.

Bà Jassat lấy ví dụ ở TP Tshwane Metro, hơn 100 trẻ dưới 5 tuổi đã phải nhập viện trong 2 tuần đầu của làn sóng thứ tư. Trong 2 tuần của làn sóng trước, Nam Phi chỉ ghi nhận chưa đến 20 trẻ em phải nhập viện.

Chuyên gia này cho rằng “khoảng cách về miễn dịch” và tình trạng thiếu vắc xin cho trẻ em có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Nghiên cứu của một số nhà khoa học Nam Phi nói rằng Omicron gây nguy cơ tái nhiễm Covid-19 cao gấp ba lần. Trong số 2,8 triệu ca dương tính với virus corona ở Nam Phi, có 35.670 trường hợp nghi ngờ tái nhiễm, khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nguyên nhân là do Omicron chứa nhiều đột biến giúp chúng lẩn tránh miễn dịch sinh ra do vắc xin hoặc sau khi đã khỏi bệnh. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với đối tượng trẻ em, khi mà chúng chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Cựu ủy viên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Tiến sỹ Scott Gottlieb cảnh báo rằng mặc dù biến thể Omicron đang được cho là nhẹ hơn biến thể Delta nhưng nó tiềm ẩn mối đe dọa lớn cho trẻ em với một số ca bị các triệu chứng nặng như viêm nhiễm đường hô hấp trên.

Theo TS. Claudia Hoyen, Giám đốc Kiểm soát nhiễm trùng nhi tại Bệnh viện nhi UH Rainbow ở Cleveland (Mỹ): "Trong khi biến thể Delta lây nhiễm cho nhiều trẻ em hơn các biến thể trước đó, thì giờ đây Omicron thậm chí còn gây tình trạng nghiêm trọng hơn thế. Điều đáng lo ngại là ở người lớn với số ca mắc COVID-19 nhiều nhưng tương đối ít trường hợp phải nhập viện, trong khi số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện ngày càng gia tăng. Đây thực sự là điều đáng quan tâm, đặc biệt với trẻ ở độ tuổi chưa thể tiêm vaccine, hoặc đủ độ tuổi nhưng chưa được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ".

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Mỹ đang bày tỏ lo ngại về những triệu chứng bệnh ở trẻ em phải nhập viện do nhiễm biến thể Omicron.

Các chuyên gia y tế tiếp tục khuyến khích các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng để bảo vệ trẻ khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do biến thể Omicron gây ra. Các bậc phụ huynh cũng được khuyến khích xem xét lại việc thay thế khẩu trang vải bằng khẩu trang dùng một lần, như khẩu trang y tế và khẩu trang N95.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra chiều 5/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: “Cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày, nước ta vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, Nếu để Omicron lan tràn hệ thống y tế sẽ quá tải. Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần trong nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số ca mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên. Vì vậy, vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch”.

Chính vì thế, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng chống biến chủng mới của SARS-CoV-2 cho trẻ là:

Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp…

Hạn chế đưa trẻ đến những chỗ đông người.

Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…). Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?