70% bệnh nhân ung thư gan không còn khả năng điều trị do phát hiện muộn
Ung thư gan hiện nay là căn bệnh phổ biến trên thế giới. Căn nguyên chủ yếu gây ung thư gan ở nước ta do virus viêm gan B, viêm gan C mạn tính cùng với tình trạng lạm dụng rượu bia...
Ung thư gan ngày càng phổ biến
Ung thư vẫn luôn là mối quan tâm rất lớn về bệnh tật trên toàn cầu. Trong các loại ung thư, ung thư gan là loại ung thư phổ biến nhất. Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (GLOBOCAN), ở nước ta, ung thư gan vượt trên cả ung thư phổi và ung thư vú về tỷ lệ mắc cũng như tử vong, với con số ước tính hơn 26 ngàn ca mới mắc hàng năm và con số gần tương tự về tử vong.
GS.TS.Mai Hồng Bàng - Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Cách đây hơn 10 năm, ung thư gan đứng vị trí thứ 3 trong 5 loại ung thư phổ biến: Ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng... thì những năm gần đây, tại Việt Nam, ung thư gan đã đứng đầu trong 5 loại ung thư này. Nguyên nhân là do Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ nhiễm viêm gan B và viêm gan C mạn tính rất cao, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Ung thư gan nguyên phát bao gồm chủ yếu là ung thư biểu mô tế bào gan (chiếm 80-90%), còn lại là ung thư đường mật trong gan và một số loại ung thư hiếm gặp khác.
Chỉ 30% trường hợp ung thư gan được điều trị ở giai đoạn sớm
Việt Nam là nước đứng đầu về sự lưu hành của ung thư gan, nhưng đa số bệnh nhân được phát hiện muộn nên tỉ lệ tử vong rất cao. Để điều trị ung thư gan hiệu quả, tỉ lệ sống sau 5 năm cao thì bệnh phải được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm.
Từ lâu, Bộ Y tế đã rất quan tâm vấn đề chẩn đoán và điều trị ung thư gan do bệnh lý rất phức tạp. Do đó những năm trước đây đã xây dựng chiến lược và quản lý điều trị ung thư gan, có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo các chuẩn hướng dẫn của quốc tế.
Tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý khám chữa bệnh/BYT đã triển khai thực hiện Chương trình "Quản lý Ung thư gan - Live Longer tại Việt Nam 2022 - 2023" nhằm tăng cường quản lý ung thư gan tại Việt Nam và từng bước triển khai các giải pháp để vượt qua thách thức do căn bệnh này mang lại.
Khi các kỹ thuật y tế chưa phát triển, việc điều trị ung thư gan trước đây là rất khó khăn. Gần đây các tiến bộ về phẫu thuật, đặc biệt là kỹ thuật phẫu thuật, gây mê hồi sức đã rất tốt thì tỉ lệ phẫu thuật và phẫu thuật thành công được nâng lên rất nhiều, đặc biệt là kỹ thuật ghép gan.
Điều đáng nói, dù sự quan tâm của ngành y tế cũng như sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, nhưng tỉ lệ phát hiện và điều trị sớm vẫn còn rất khiêm tốn.
Theo đánh giá chung, nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa có ý thức khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Chỉ khi có dấu hiệu bệnh thì người dân mới đi khám, lúc này, tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn phức tạp. Bên cạnh đó kết quả nghiên cứu các phương pháp phòng bệnh, khám sàng lọc các đối tượng nguy cơ cao nhiễm viên gan B, viêm gan C mạn tính để chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả còn rất khó khăn.
Cũng theo GS.TS.Mai Hồng Bàng, cho đến nay, tỉ lệ bệnh nhân được phẫu thuật cắt gan là rất thấp, chỉ khoảng 30%. Còn lại 70% không còn cả năng phẫu thuật do bệnh nhân đến quá muộn.
Các phương pháp điều trị ung thư gan hiện nay
Trong điều trị ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng, vấn đề điều trị là cần "phác đồ điều trị đa mô thức và toàn diện", tức là kết hợp nhiều phương pháp, nhiều loại thuốc để tăng hiệu quả điều trị.
Ung thư gan nếu được phát hiện giai đoạn sớm, thì các phương pháp điều trị đơn giản như can thiệp qua da, can thiệp mạch (tắc mạch hóa dầu toxy, tắc mạch hóa chất, tắc mạch xạ trị, xạ trị chiếu trong chọn lọc…). Ở giai đoạn muộn hơn sẽ được điều trị hóa trị, tiêu hủy khối u tại chỗ, nút hóa chất động mạch gan, xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm đích, chăm sóc giảm nhẹ. Các biện pháp này, kể cả thuốc nhắm đích, chỉ là phối hợp, hỗ trợ điều trị bệnh mà không phải là phương pháp điều trị triệt để. Giải pháp cuối cùng của ung thư gan là ghép gan.
Nhưng ghép gan hiện nay, dù kỹ thuật đã được thực hiện thuần thục ở các trung tâm ghép tạng lớn như Việt Đức, Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện TWQĐ 108… nhưng số ca được ghép gan vẫn còn hạn chế do nguồn hiến tạng.
TS.BS. Lê Văn Thành - Phó Viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật gan mật tụy, Bệnh viện TWQĐ 108 cho hay: Ghép gan chỉ định cho những bệnh nhân điều trị bằng các phương pháp khác không còn hiệu quả: Ung thư gan giai đoạn cuối, viêm gan, xơ gan do virus giai đoạn cuối...
Ghép gan từ người cho sống thì đối với người nhận có thuận lợi là chủ động thời gian ghép từ những người cho sống cùng huyết thống, trong gia đình, có thể ghép trong 24 giờ, ghép cấp cứu.
Đối với ghép gan từ người hiến chết não thì phải chờ và số người hiến là rất thấp, trong khi nhu cầu ghép gan của bệnh nhân ung thư gan là rất lớn. Khi bệnh nhân có chỉ định ghép gan, nếu phải chờ đợi người hiến chết não thì có thể là đã muộn.
Chính vì thế, phòng bệnh là điều rất quan trọng. Biện pháp tốt nhất là điều trị tốt các bệnh viêm gan B, viêm gan C, ngừng uống rượu bia để tránh dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan...
Thu Hà