• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

7 dấu hiệu phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh

Thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ (quá trình chuyển sang mãn kinh) thường bắt đầu ở độ tuổi 40. Giai đoạn này có thể bắt đầu ở bất kỳ thời điểm nào từ cuối độ tuổi 30 đến 50 và kéo dài trung bình 4 năm, thậm chí kéo dài đến 8 năm.

Tiền mãn kinh có thể gây ra một số triệu chứng bao gồm kinh nguyệt không đềubốc hỏa, ngủ kém, khô âm đạo, thay đổi tâm trạng, sương mù não và vấn đề về bàng quang...

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, lượng estrogen mà buồng trứng sản xuất bắt đầu dao động gây ra các triệu chứng mà phụ nữ có thể chưa từng gặp. Tuy nhiên, mỗi phụ nữ có tình trạng khác nhau và không phải tất cả chị em đều trải qua các triệu chứng tiền mãn kinh.

1. Tiền mãn kinh là gì?

Về cơ bản, việc sản xuất hormone của phụ nữ bắt đầu thay đổi. Đặc biệt, nồng độ estrogen do buồng trứng sản xuất bắt đầu dao động, nghĩa là chúng có thể tăng giảm. Chính việc sản xuất estrogen thất thường này gây ra các triệu chứng tiền mãn kinh rõ ràng, chẳng hạn như thay đổi chu kỳ, thay đổi tâm trạng và sương mù não. Khi nồng độ estrogen thấp, phụ nữ dễ bị bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm. Khi chúng ở mức cao, bị đau ngực và kinh nguyệt không đều.

Thời kỳ tiền mãn kinh kéo dài trung bình 4 năm nhưng khung thời gian này sẽ khác nhau ở mỗi người. Có phụ nữ chỉ trải qua tình trạng này vài tháng nhưng một số phụ nữ có các triệu chứng kéo dài tới gần 10 năm.

2. Một số dấu hiệu tiền mãn kinh

2.1 Chu kỳ kinh nguyệt ngày càng khó dự đoán và không đều

7 dấu hiệu phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh- Ảnh 1.

Chu kỳ kinh nguyệt khó dự đoán và không đều là một trong những dấu hiệu của tiền mãn kinh.

Đây thường là điều sẽ nhận thấy đầu tiên, thời gian có thể trở nên ngắn hơn hoặc dài hơn; khoảng thời gian dài hơn hoặc ngắn hơn giữa các kỳ kinh (chu kỳ không đều). Lượng máu trở nên nhiều hơn hoặc ít hơn.

Chị H.Q. (45 tuổi) ở Nam Từ Liêm chia sẻ: Tôi biết mình sắp mãn kinh khi chu kỳ kinh nguyệt thay đổi từ chu kỳ 28 ngày rất đều đặn sang chu kỳ ngắn hơn, có lúc dài hơn. Và lượng máu chảy sẽ thay đổi từ chu kỳ này sang chu kỳ tiếp theo, cũng có lúc nhiều, lúc ít.

Thực tế, với thời kỳ tiền mãn kinh, không có quy luật chung nào phù hợp cho tất cả mọi người, không phải ai cũng thay đổi chu kỳ, thậm chí một số người có kinh nguyệt đều đặn cho đến khi mãn kinh.

Mặc dù đa số là những thay đổi thông thường về kinh nguyệt trong thời kỳ tiền mãn kinh nhưng một số thay đổi dưới đây cần được bác sĩ kiểm tra để đảm bảo không có gì bất thường:

  • Ra máu rất nhiều.
  • Chảy máu kéo dài hơn 7 ngày.
  • Chảy máu giữa chu kỳ.
  • Chu kỳ kinh nguyệt thường cách nhau ít hơn 21 ngày.

2.2 Đột ngột cảm thấy nóng hoặc lạnh

Chị L.V. (48 tuổi) ở Hoàn Kiếm cho biết, đột nhiên cảm thấy như mọi lỗ chân lông trên cơ thể đều nở ra và bắt đầu đổ mồ hôi mà không làm bất cứ việc gì cả.

Theo ThS.BS Lê Quang Dương, hiện tượng này cực kỳ phổ biến trong thời kỳ tiền mãn kinh. Khoảng 80% phụ nữ tiền mãn kinh mắc phải chúng và thường được gọi là "bốc hỏa" còn được gọi là triệu chứng vận mạch, bốc hỏa là khi cảm thấy cơ thể nóng nhiều, đột ngột trong cơ thể, thường kèm theo các triệu chứng khác như đổ mồ hôi. Da có thể chuyển sang màu đỏ, tim đập nhanh và sau cơn bốc hỏa, cảm thấy lạnh, run rẩy.

Phụ nữ có thể gặp tất cả hoặc một số triệu chứng đó, thường kéo dài từ 30 giây đến 10 phút và có tần suất khác nhau. Một số phụ nữ kiểm soát được, trong khi nhiều phụ nữ khác lại cảm thấy không thể chịu nổi và cản trở giấc ngủ.

Do nồng độ hormone dao động, các cơn bốc hỏa xảy ra ngay cả khi không có nguyên nhân rõ ràng nào như thức ăn cay hoặc thời tiết nóng. Khi bị bốc hỏa vào ban đêm trong giấc ngủ, được gọi là đổ mồ hôi ban đêm.

Có thể giúp giảm sự khó chịu bên ngoài cơn bốc hỏa bằng cách mặc đồ cotton thoáng khí, thấm mồ hôi…

2.3 Chất lượng giấc ngủ ngày càng kém

7 dấu hiệu phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh- Ảnh 3.

Giai đoạn tiền mãn kinh khiến phụ nữ khó ngủ.

Có thể thức dậy vào lúc nửa đêm do nóng bừng hoặc trằn trọc, khó ngủ, nghiên cứu cho thấy có tới 60% phụ nữ tiền mãn kinh bị gián đoạn giấc ngủ. 

Một nghiên cứu năm 2006 của Trường Y thuộc Đại học Stanford đã xem xét mối liên quan giữa bốc hỏa và mất ngủ ở 982 phụ nữ từ 35 đến 65 tuổi. Trong số đó, 79% phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh bị bốc hỏa và gần 57% phụ nữ bị mất ngủ. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những cơn bốc hỏa càng nghiêm trọng thì phụ nữ càng có nhiều khả năng bị mất ngủ.

Thay đổi tâm trạng cũng góp phần gây ra giấc ngủ kém. Nếu các triệu chứng ảnh hưởng đến giấc ngủ thì nên đi khám. Tuy nhiên, hãy thử thực hiện cố gắng kiểm soát giấc ngủ bị gián đoạn như điều chỉnh môi trường ngủ ( giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh, mát mẻ) và luôn một chai nước gần giường nếu những cơn bốc hỏa khiến khó ngủ.

2.4 Âm đạo có cảm giác khô

Khô âm đạo thường gặp ở thời kỳ tiền mãn kinh. Nghiên cứu của Hoa Kỳ về phụ nữ đã theo dõi hơn 2.400 phụ nữ trong 17 năm và phát hiện ra rằng chỉ hơn 19% phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh (42 đến 53) bị ảnh hưởng bởi tình trạng khô âm đạo.

Điều này là do nồng độ estrogen, estrogen có nhiệm vụ giúp âm đạo được bôi trơn và đàn hồi, vì vậy khi tiền mãn kinh bắt đầu thay đổi nồng độ estrogen, khiến mô âm đạo dễ bị khô và mỏng đi.

Có thể giúp giảm bớt tình trạng này bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm trong và xung quanh âm đạo hoặc dùng chất bôi trơn để quan hệ tình dục dễ dàng hơn. Estrogen đặt âm đạo (có sẵn dưới dạng viên nén, thuốc đặt âm đạo, kem, gel...) sẽ giúp ích rất nhiều.

2.5 Tâm trạng thất thường

Khoảng 4 trong 10 phụ nữ trải qua các triệu chứng tâm trạng trong thời kỳ tiền mãn kinh tương tự như hội chứng tiền kinh nguyệt như cảm thấy lo lắng, căng thẳng, tức giận, cáu kỉnh, buồn bã, thiếu tự tin…

Theo chị G.N (51 tuổi) ở Ba Vì, tâm trạng chị rất thất thường và tức giận đột ngột, có lúc lại buồn muốn khóc. BS. Nguyễn Tuấn Anh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các triệu chứng về tâm trạng có thể kết hợp với các vấn đề về giấc ngủ ở thời kỳ tiền mãn kinh và đây là những thách thức phải đối mặt trong cuộc sống. Ngủ ngon có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với tâm trạng cùng với việc thực hiện lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, tập thể dục đầy đủ và kiểm soát căng thẳng bằng các biện pháp như massage, viết nhật ký hoặc thiền.

Nếu cảm thấy mình đang gặp khó khăn với tâm trạng và sức khỏe tinh thần, đừng ngần ngại đi khám để bác sĩ tư vấn.

2.6 Khó tập trung và ghi nhớ mọi thứ hơn

Có thể trở nên hay quên, chẳng hạn khi bước vào một căn phòng hoàn toàn không biết tại sao mình lại ở đó. Cảm thấy khả năng tập trung giảm sút, cố gắng tập trung vào công việc nhưng tâm trí lại chuyển sang hướng khác.

Trong một nghiên cứu năm 2022 của Bệnh viện Đại học London, hơn 68% phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh cho biết họ gặp phải tình trạng sương mù não. Điều này có thể thực hiện một số bước để khắc phục những khiếm khuyết về nhận thức đó. Hãy làm mọi việc chậm lại. Nhận biết khi nào đang bị phân tâm và dành một chút thời gian để thở đều và tập trung lại. Tập thể dục thường xuyên, cải thiện thói quen ngủ giúp não hoạt động tốt nhất.

2.7 Bàng quang không tốt

Kiểu đi tiểu cũng dễ bị ảnh hưởng bởi thời kỳ tiền mãn kinh vì một số lý do. Một công việc quan trọng khác của estrogen là giữ cho cơ sàn chậu săn chắc, giúp bàng quang hoạt động bình thường. Mức độ hormone thấp hơn có thể có nghĩa là cần đi tiểu thường xuyên hơn hoặc dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn.

Ngoài ra, hiện tượng són tiểu khi đang tập thể dục, cười hoặc hắt hơi cũng khá phổ biến khác trong thời kỳ tiền mãn kinh. Điều này không chỉ do nội tiết tố mà còn có thể xảy ra thường xuyên hơn khi thời kỳ mãn kinh đến gần.

Tuy nhiên, các bài tập sàn chậu đơn giản (Kegels) có thể tạo nên sự khác biệt lớn, nên hỏi ý kiến các chuyên gia vật lý trị liệu sàn chậu về bài tập phù hợp. Ngoài ra, nên cho bác sĩ biết các dấu hiệu bất ổn với bàng quang hoặc sàn chậu.

Bảo Châu

 


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?