• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm gia tăng mạnh. Tuy nhiên, để bảo đảm được chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phục vụ nhân dân đón tết an toàn, bảo đảm sức khỏe đang đặt ra nhiều thách thức với các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng.  

Dịp Tết Nguyên đán có thời gian nghỉ dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia. Chính vì vậy, đây là thời điểm thực phẩm được tiêu thụ lớn trong năm, nhất là các thực phẩm, đồ uống như rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, các loại hạt có dầu, thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống… Theo tìm hiểu, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ nhiều tháng nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng sản lượng và các loại sản phẩm thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. 

Dạo qua một vòng thị trường những ngày này, chúng tôi thấy các loại mặt hàng với nhiều chủng loại, mẫu mã, xuất xứ phong phú, đa dạng đã được bày bán khắp các chợ từ nông thôn tới thành thị, trong các cửa hàng, siêu thị… 

Tuy nhiên bên cạnh những sản phẩm có thương hiệu, còn nhiều sản phẩm như bánh, kẹo, mứt các loại, ô mai, thịt bò khô, lạp xưởng, mực khô xé… không có nguồn gốc, xuất xứ, không có hạn sử dụng… được đóng gói sơ sài trong các bao nilon hoặc đựng trong bao tải để bán theo kilogam. 

Cùng với đó, hầu hết các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, giò chả, xúc xích, zăm bông… cũng được các tiểu thương đang buôn bán trong các chợ tăng cường số lượng. Tuy nhiên, vấn đề thực phẩm đó đã được kiểm dịch chưa, có còn tồn dư hóa chất, chất kháng sinh trong thực phẩm đó hay không thì không ai biết chắc. Đặc biệt, rượu, bia, nước giải khát cũng là mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội hàng năm. Nhưng vẫn còn đó không ít các loại rượu được vận chuyển, bày bán không có nguồn gốc rõ ràng, rượu được pha từ cồn công nghiệp…

Kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra, thanh tra về ATTP trong năm 2018 đã cho thấy chất lượng thực phẩm còn nhiều điều đáng lo ngại. Trong tổng số hơn 10 nghìn cơ sở được kiểm tra, giám sát thì có tới gần 4 nghìn cơ sở có vi phạm. Các đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh cáo và yêu cầu 01 cơ sở phải đóng cửa dừng hoạt động để khắc phục những vi phạm; buộc 31 cơ sở phải tiêu hủy 43 sản phẩm, nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn; phạt tiền 198 cơ sở với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Trong đó phần lớn các sản phẩm bị bắt, tiêu hủy là thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm được làm từ thịt lợn, thịt bò, hạt có dầu, măng tươi, hàng nghìn lít rượu… Đối với gần 1.700 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm nhanh và gửi Labo kiểm nghiệm có gần 120 mẫu không đạt độ an toàn. 

Nhằm góp phần bảo đảm ATVSTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội mùa xuân tới đây, cùng với kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATVSTP tỉnh theo năm, Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm đã triển khai kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng ngành thành viên; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm, những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, cơ sở nhập khẩu thực phẩm…  

Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về lĩnh vực ATTP, Cục ATTP cũng khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm an toàn, đọc kỹ nhãn mác sản phẩm thực phẩm trước khi lựa chọn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không mua tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng; không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính; không ăn các loại nấm hoang, thực hiện ăn chín, uống sôi, ngâm rửa các loại rau quả, nhất là các loại dùng ăn sống; ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong; che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín; đun kỹ thức ăn đã qua bữa khi dùng lại; không để lẫn và dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo… Thực hiện tốt các biện pháp trên sẽ tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Qua đó, bảo đảm sức khỏe cho chính mình và người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, kịp thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về ATTP để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?